Vấn đề đặt ra là cần phải làm sao để những cán bộ chịu trách nhiệm cao nhất trong mỗi cơ quan đơn vị thấu hiểu được sứ mệnh cao cả của công tác lãnh đạo quản lý, các doanh nhân phải hiểu được giá trị của doanh nhân chân chính.
Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng cho biết:
Sự kiện các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý một số quan chức và doanh nhân vi phạm pháp luật vừa qua là minh chứng hùng hồn về hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và nhà nước ta trong việc tăng cường hành động đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng cùng những hiện tượng tha hóa, biến chất, suy thoái đạo đức lối sống của một số cá nhân và tổ chức trong xã hội.
Cơ quan điều tra niêm phong nhiều tài liệu tại trụ sở Tập đoàn FLC |
Với thực tiễn vừa qua, ông đánh giá gì về con đường xây dựng nhà nước pháp quyền, về thượng tôn pháp luật?
Để thực hiện những chủ trương này, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết tâm chính trị rất cao để xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tiên đoán về thực tiễn của cuộc cách mạng mà chúng ta phải thực hiện. Bác từng căn dặn: Đây là một cuộc chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân và dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như tham nhũng lãng phí, nhận hối lộ của cán bộ công chức, việc làm ăn vi phạm pháp luật của một số doanh nhân, doanh nghiệp đang được tích cực xử lý. Chúng ta quyết tâm làm sao loại bỏ được những cá nhân thoái hoá biến chất ra khỏi đội ngũ của những người cách mạng. Đó là cuộc đấu tranh với quyết tâm chính trị rất cao. Chống tham nhũng không có vùng cấm, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Ngay từ thời nhà nước phong kiến, trong những vương triều tiến bộ đều đã xử nghiêm những quan lại tham nhũng, ngay cả hoàng thân quốc thích cũng trừng trị như thứ dân. Việc xử lý tham nhũng, vi phạm vừa qua còn có ý nghĩa tiếp nối truyền thống quý báu của ông cha. Tư tưởng thượng tôn pháp luật ngày càng cần được coi trọng trong xây dựng nhà nước, trong bảo đảm hạnh phúc của nhân dân, giữ gìn sự trong sạch của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng vững mạnh.
Chúng ta kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để ngăn chặn đẩy lùi các hiện tượng sai trái, loại bỏ cái xấu, cái ác. Dù là cán bộ đương chức hay về hưu cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi do chính họ gây ra.
Năm 1975, miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội. Xây dựng Chủ nghĩa xã hội là xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt, luôn quan tâm đến lợi ích của đất nước, lợi ích của con người. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây chính là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta.
Pháp luật là tinh hoa của văn hoá. Nền văn hoá tiên tiến thì phải có hệ thống các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp, hệ thống luật pháp đồng bộ, khoa học, nhân văn và nghiêm minh. Nhìn vào hệ thống pháp luật sẽ biết nền văn hoá của dân tộc, trình độ quản trị đất nước đó đang ở trình độ nào.
Những vi phạm của hàng loạt quan chức vừa qua dường như cho thấy không ít cán bộ lãnh đạo chưa thấu hiểu “đạo làm quan” như ông cha từng căn dặn, thưa ông?
Quan chức và doanh nhân vi phạm pháp luật có mấy lý do: Sự hiểu biết pháp luật hạn chế; Thứ hai là do suy thoái đạo đức, không kiểm soát được tham vọng bất chính, chủ nghĩa cá nhân lộng hành trong chính con người họ; biết sai mà vẫn tìm mọi cách để làm; Thứ ba là do thực tiễn xã hội phát triển quá nhanh và phức tạp mà việc ban hành pháp luật để quản lý chưa theo kịp. Thực tiễn luôn thay đổi và đòi hỏi pháp luật phải kịp thời được sửa đổi, bổ sung.
Trong những cán bộ, doanh nhân vi phạm, theo tôi có phần nào là do họ không thực sự am hiểu pháp luật, hiểu không đến nơi đến chốn. “Đạo làm quan” nói như Nguyễn Trãi đó là: Lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm cành. Tức là nếu ví con người như cái cây thì nhân nghĩa, đạo đức làm gốc, tài năng, trí dũng chỉ như cành nảy sinh từ cái gốc đó.
Nguyễn Trãi cũng từng nói: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cầy”, tức là làm quan phải biết chăm sóc đến muôn dân. Cũng như thời kỳ vua Lê có Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này là vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam thời Lê. Bộ luật góp phần làm cho quốc thái dân an, đem hạnh phúc cho con người.
Sinh thời, Nguyễn Trãi đã viết trong “Đại cáo bình ngô”: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Hoặc như câu “Tướng sỹ một lòng phụ tử/Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Người làm quan chân chính phải có lòng trung quân ái quốc…
Trong lịch sử, những vương triều có nhiều vị quan thanh liêm, thương yêu nhân dân, làm được như Nguyễn Trãi nói, thì sẽ tạo nên cả một vùng quê, cả thời kỳ thái bình thịnh trị.
Những câu văn ấy thực sự sâu sắc về đạo làm tướng, đạo làm quan đã được ông cha ta đúc kết từ nhiều đời nay.
PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng |
Còn với doanh nhân thì sao, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập nhanh với thế giới, thưa ông?
Về hàng loạt “đại gia”, lãnh đạo tập đoàn vi phạm pháp luật, tôi cho rằng xã hội cần có nhìn nhận đúng về lĩnh vực này. Một ông chủ doanh nghiệp mà bỗng chốc mở mắt ra đã giàu kếch xù thì phải xem lại. Không mất công sức mồ hôi mà giàu nhanh như vậy thì có chân chính không.
Nhiều doanh nghiệp giá trị thấp mà khi lên sàn chứng khoán được thổi vống lên. Từ đó tạo ảo tưởng về giá trị của doanh nghiệp đó. Nhiều doanh nhân vi phạm vừa qua cho thấy kinh doanh yếu kém, đạo đức doanh nhân suy đồi. Đôi khi có người quen nghĩ rằng cứ làm đi và khi có vấn đề gì thì lại cậy nhờ các mối quan hệ.
Đóng góp và nỗ lực lớn của doanh nhân, chúng ta phải ghi nhận. Tuy nhiên tình trạng những doanh nhân tìm mọi cách để lách luật, sai phạm thì phải bị xử lý nghiêm. Những người tài năng theo tôi biết rất khiêm tốn; nhiều người giàu có cũng rất giản dị. Những doanh nhân chân chính thì sẽ không thích ai tung hô mình, không chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài.
Chuyện về lãnh đạo FLC, hay Tân Hoàng Minh… vừa qua là điều mà mỗi doanh nhân cần suy ngẫm về cách làm ăn, về triết lý kinh doanh của mình.
Doanh nhân Việt Nam, theo tôi không chỉ phải khẳng định trong nước mà phải từng bước vươn ra nước ngoài, khẳng định mình trên thị trường thế giới. Điều đó đòi hỏi ở đội ngũ doanh nhân sự nỗ lực rất lớn, phải nâng cao trình độ, hiểu biết luật pháp quốc tế. Tình trạng vi phạm của hàng loạt doanh nhân vừa qua cũng cho thấy nhiều khe hở trong hệ thống quản lý, giám sát.
Doanh nhân chân chính phải có tinh thần vì cộng đồng. Trong rừng cây, những cây cổ thụ thường lớn chậm nhưng vững chắc vô cùng còn tầm gửi thì sớm chết yểu. Trong kinh doanh cũng vậy, những doanh nhân kiểu “dây leo” thì sớm muộn cũng sẽ có chuyện, đổ vỡ.
Bên cạnh đó, tôi cũng thấy có nhiều doanh nghiệp Việt đang vươn lên từng ngày trên đôi chân và trí tuệ của mình. Doanh nhân chân chính phải biết thế nào là đúng, thế nào là sai và phải truyền đến từng nhân viên của mình thấu hiểu điều đó. Chúng ta phải xây dựng được chiến lược con người, có lòng yêu nước, có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng. Trước khi trở thành lãnh đạo, thành doanh nhân phải trở thành CON NGƯỜI trong mẫu tự viết hoa!