Từ ngày 15/5/2021, Quyết định 17/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được áp dụng, thay cho Quyết định 77/2014.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng; đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng tối đa là 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được tăng mức hỗ trợ học nghề. Ảnh minh họa: Dân Việt.
Trước đây, mức hỗ trợ được quy định chỉ là 01 triệu đồng/người/tháng, không phụ thuộc vào thời gian đào tạo.
Những người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày 15/5/2021 nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề mới nêu trên.
Bồi dưỡng người không có bằng sư phạm trở thành giáo viên THCS, THPT
Thông tư 12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ ngày 22/5/2021) ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT.
Theo đó, những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS/THPT.
Các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Sau khi hoàn thành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS/THPT, người học có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy học, giáo dục ở trường THCS-THPT.
Nhiều quy định mới khi giảng dạy online
Nhiều điều giáo viên cần biết trong quy định mới về dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa: TPO.
Thông tư 09/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ 16/5/2021. Theo đó:
Giáo viên dạy học trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.
Giúp giáo viên tổ chức triển khai dạy học trực tuyến trực tiếp để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả học sinh tham dự trong cùng một không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến đến học sinh.
Giáo viên thực hiện dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của học sinh đúng kế hoạch của cơ sở giáo dục phổ thông và bảo đảm mục tiêu giáo dục theo quy định; tạo môi trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học sinh; phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.
Lộ trình xây dựng công an xã, thị trấn chính quy
Nghị định 42/2021 của Chính phủ quy định xây dựng công an xã, thị trấn chính quy có hiệu lực từ ngày 16/5/2021.
Theo đó, lộ trình bố trí công an xã, thị trấn chính quy trên cả nước được quy định như sau:
Trước ngày 30/6/2021: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Trước ngày 30/6/2022: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn còn lại.
Đối với xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, trường hợp công an xã bán chuyên trách được đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản khác.
Hỗ trợ đóng BHYT cho người lao động làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa
Nghị định 22/2021 của Chính phủ quy định về Khu kinh tế - quốc phòng sẽ có hiệu lực từ ngày 5/5/2021 và thay thế Nghị định 44/2009/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định mới hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa... theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định sau đây:
Đối với quân số thuộc biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.
Người lao động, công nhân làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.