Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ có nhiều gói cứu trợ kinh tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
“Vắc xin”… giải cứu doanh nghiệp
Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, bao gồm cả giải pháp về thuế. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất gói giải pháp cứu nguy doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp đề xuất bổ sung về số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ảnh: Báo Giao thông. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, Việt Nam cơ bản đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những giải pháp này giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Luật sư Tú cho rằng, cần có thêm những chính sách để ứng phó với dịch bệnh kéo dài, tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Đồng thời, luật sư Trương Anh Tú đề xuất một số giải pháp, trong đó, cần tăng số lượng miễn, giảm các loại thuế. Bởi đối với doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh, khó khăn lớn về mặt tài chính chủ yếu nằm ở việc duy trì dòng tiền và lãi vay. Ngoài các sắc thuế trong dự thảo đã miễn giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, Chính phủ có thể cân nhắc thêm việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ với một số nhóm sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí.
Tăng thời gian hỗ trợ gia hạn nộp thuế, cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng gia hạn để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Đối với tiền sử dụng đất, cần phân định rõ các đối tượng được áp dụng và ưu tiên những đơn vị sản xuất như các khu công nghiệp, khu chế suất để đảm bảo tính công bằng hưởng lợi từ chính sách, tránh tình trạng trục lợi từ các doanh nghiệp khác. Đối với thuế VAT cần xem xét hỗ trợ giảm thuế và hoàn thuế trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp bởi đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng. Giảm thuế GTGT nên tập trung cho ngành dịch vụ như lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, pháp lý…
Giải pháp về thuế nên hướng tới tính bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển, chỉ bố trí vốn ngân sách cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Cần giảm tối đa từ 50% đến 100% các loại thuế như VAT, thuế thu nhập DN… tiếp tục gia hạn những khoản hỗ trợ hiện tại theo lộ trình cụ thể cho đến hết năm 2021 và có thể hỗ trợ trong thời gian tiếp theo đầu năm 2022 để đảm bảo cho các DN vừa và nhỏ có thể tồn tại.
Luật sư Tú cho rằng, trong thời điểm khó khăn này, ngoài việc miễn giảm thuế, việc giảm thiểu tối đa thanh kiểm tra doanh nghiệp kể cả đối với các trường hợp hoàn thuế cũng thể hiện sự đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp.
Luật sư Trương Anh Tú. |
Cần một gói cứu trợ từ 70 đến 80 tỷ USD mới đủ sức vực dậy nền kinh tế
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, hiện doanh nghiệp đang phải chi trả rất nhiều chi phí như: lương, bảo hiểm xã hội, thuế... và chi phí lãi vay. Do đó, các doanh nghiệp cần gấp gói tín dụng giá rẻ khổng lồ, để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh qua đi.
Đánh giá, những chính sách cơ cấu nợ, giảm, miễn lãi cho doanh nghiệp tại thời điểm này là điều cực kỳ cần thiết, để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch, việc Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành thông tư 01 và 03 yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hoặc giữ nguyên nhóm nợ là chính sách đem lại sự tích cực. Tuy nhiên, các quy định nội bộ thường đặt ra thủ tục, tiêu chuẩn rất cao và thực tế là, nhiều doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được.
Bên cạnh đó, có tình trạng ngân hàng thương mại không công bố rộng rãi các quy định nội bộ này, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng không biết các quy định nội bộ này của ngân hàng để được hỗ trợ. Mặt khác, để các ngân hàng tính toán và thu xếp các gói tài chính cho những khoản hỗ trợ, đôi khi vượt quá nguồn lực của họ, vì suy đến cùng Ngân hành bản thân họ cũng là một doanh nghiệp, đi tìm kiếm lợi nhuận.
Do đó, luật sư Tú cho rằng, cần những động thái thực chất hơn, cụ thể hơn. Với quy mô GDP như hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần một gói cứu trợ từ 70, đến 80 tỷ USD mới đủ sức vực dậy nền kinh tế cũng như cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Dẫn con số khảo sát của VCCI, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 trong năm 2020, đến thời điểm này, con số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên tới 99%, hiện đã có trên 80.000 doanh nghiệp đóng cửa, luật sư Tú cho rằng, phần lớn trong số các khoản vay đến hạn của các doanh nghiệp cần được khoanh lại, không tính lãi và giãn thời gian trả nợ cho đến khi các doanh nghiệp phục hồi trở lại, việc này cũng cần phải có thời gian từ một đến hai năm sau khi kết thúc dịch bệnh.
Ngân hàng nhà nước cần chi ra cho hệ thống các tổ chức tín dụng một gói hỗ trợ khổng lồ. Bởi khi doanh nghiệp được trút được gánh nặng về các khoản nợ đáo hạn, những khó khăn mà họ phải đối mặt sau dịch bệnh là các chi phí lương bổng, BHXH, các chi phí cố định khác và cũng cần một lượng vốn lớn để phục hồi sản xuất, đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ một gói tín dụng khổng lồ, nhưng kèm theo điều kiện lãi suất thật ưu đãi.
Theo luật sư Tú, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Chính phủ nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì các doanh nghiệp lớn. Vừa qua nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airlines 12.000 tỷ nhưng cũng chưa thấm thoát gì so với nhu cầu của doanh nghiệp này. Với số tiền đó, chúng ta có thể “cấp cứu” cho hằng ngàn doanh nghiệp nhỏ.
Ông Tú cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo xoá bỏ các thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bởi dịch bệnh và hệ luỵ của nó là mặc nhiên gây ra khó khăn đối với doanh nghiệp. Đồng thời cần giám sát chặt chẽ để việc hỗ trợ này đến được với những doanh nghiệp thật sự khó khăn, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu thanh long bằng đường biển:
Nguồn: VTV 1