Theo tờ The Quardian, Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay 9/1 đã bắt đầu nối lại các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên sau hơn hai năm gián đoạn, nhằm thảo luận các khả năng cho phép các vận động viên Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2 tới.
Cuộc gặp song phương đầu tiên bắt đầu từ sáng 9/1 ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm về phía Hàn Quốc, phái đoàn Triều Tiên đã đi bộ qua vĩ tuyến 38 độ Bắc ranh giới chia cắt hai miền kể từ năm 1953 để sang Hàn Quốc. Truyền thông liên Triều lẫn quốc tế đều cho rằng đây là bước đột phá ngoại giao quan trọng sau nhiều tháng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bởi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Phái đoàn Triều Tiên dẫn đầu là ông Ri Son-gwon bước qua vĩ tuyến 38 độ Bắc tại Bàn Môn Điếm vào sáng 9/1. Ảnh: Yonhap. |
Dù vậy nội dung cuộc hội đàm cấp cao liên Triều lần này chỉ xoay quanh việc khả năng Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, nhưng cũng có thể bao gồm việc nối lại các buổi đoàn tụ gia đình liên Triều giữa các gia đình bị chia cắt sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), theo giới truyền thông Hàn Quốc nhận định.
Dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 độ Bắc vào lúc 9h30 sáng (theo giờ địa phương) là ông Ri Son-gwon, một nhà ngoại giao có kinh nghiệm tham gia đàm phán liên Triều suốt nhiều năm qua, cùng bốn thành viên khác. Reuters dẫn lời ông Ri phát biểu: "Cuộc gặp sẽ diễn ra tốt đẹp". Ông nhấn mạnh Triều Tiên có lập trường chân thành và nghiêm túc trong cuộc đàm phán này.
Mời độc giả xem video: Toàn cảnh cuộc hội đàm cấp cao liên Triều diễn sau hai năm gián đoạn. (Nguồn AP)
Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc hội đàm trên nhiều khả năng sẽ diễn ra suôn sẻ tương tự như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ tại các kỳ thế vận hội như Sydney vào năm 2000, Athens năm 2004 và tại Thế vận hội Mùa đông năm 2006 ở Turin.
Dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc là Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon và cũng cùng bốn thành viên khác. Ngay trước cuộc gặp, ông nói với phóng viên: "Hôm nay, chúng tôi sẽ thảo luận về việc để đoàn thể thao Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyongchang và Thế vận hội dành cho người khuyết tật, cũng như cải thiện quan hệ liên Triều".
Bộ trưởng Cho cũng nhấn mạnh, "Để đáp ứng kỳ vọng của người dân, chúng tôi sẽ không vội vàng và sẽ tổ chức các cuộc hội đàm một cách thận trọng."
Nhận định về một sự thay đổi trong mối quan hệ Hàn-Triều cũng được thể hiện qua cái bắt tay của người đứng đầu phái đoàn hai nước trước thềm tòa Nhà Hòa bình nơi diễn ra cuộc gặp đầu tiên. Tòa nhà diễn ra cuộc hội đàm thậm chí còn nằm ngay gần trung tâm của vùng phi quân sự DMZ.
Cái bắt tay lịch sử của đại diễn hai miền Triều Tiên trong cuộc gặp đầu tiên sau hai năm, hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới cho mối quan hệ liên Triều. Ảnh: Yonhap. |
Quá trình chuẩn bị cho việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai miền mặc dù chỉ tập trung xung quanh vấn đề thể thao chứ không phải là an ninh nhưng vẫn được hai bên xúc tiến chỉ trong khoảng thời gian ngắn, điều chưa từng có tiền lệ, sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu hy vọng Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang diễn ra thành công và Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận về khả năng đại diện nước này xuất hiện tại Pyeongchang trong tháng 2.
Sự thay đổi bất ngờ này của nhà lãnh đạo Triều Tiên còn giúp nối lại đường dây nóng liên Triều vốn đã gián đoạn trong suốt hai năm qua. Đỉnh điểm của sự kiện này chính là việc Seoul và Washington tuyên bố tạm hoãn các cuộc tập trận chung trước thế vận hội, ngay lập tức Triều Tiên đã đồng ý nối lại các cuộc hội đàm cấp cao.
Hiện vẫn chưa rõ tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc và Triều Tiên có xuất hiện cùng nhau dưới chung một lá cờ hay không bởi với khoảng thời gian chỉ còn hơn một tháng rất khó để các đội tuyển hai nước tập trung lại. Và nhiều khả năng đại diện Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thi đấu như các quốc gia riêng biệt trong Thế vận hội Mùa đông năm nay.