Cụ thể, Tổng thống Park Geun–hye khẳng định, việc thành lập cơ quan tư vấn cho tổng thống là sự chuẩn bị cần thiết cho một tương lai thống nhất, mở ra kỷ nguyên hòa bình mới cho bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Park cho biết, bà có niềm tin vào tương lai thống nhất của 2 miền Triều Tiên khi nhìn vào sự thống nhất của nước Đức.
Đồng thời, bà Park Geun–hye nhấn mạnh, sẽ nỗ lực mở rộng, thúc đẩy trao đổi, giao lưu giữa 2 miền Triều Tiên đồng thời cho biết, các cuộc thảo luận về một kỷ nguyên thống nhất mới được khuyến khích để tổ chức ở mọi cấp, mọi tầng lớp nhân dân.
Quyết định trên của bà Park được đưa ra trong một cuộc họp báo kỷ niệm năm đầu tiên bà giữ cương vị Tổng thống Hàn Quốc tại văn phòng tổng thống vào ngày hôm nay.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun–hye (trái) tin tưởng vào sự tái hợp, thống nhất của 2 miền Triều Tiên trong tương lai. Bên phải ảnh là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc mới đây cũng nhận định lạc quan về tiềm năng hợp tác, trao đổi sâu rộng hơn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Dấu hiệu đầu tiên phản ánh tiềm năng này chính là sự kiện đoàn tụ của các gia đình 2 miền Triều, Hàn bị chia cắt, ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950–1953) hôm 20/2 mới đây sau một loạt các cuộc đàm phán cấp cao khó khăn.
Ban đầu, Triều Tiên yêu cầu điều kiện tiên quyết để tổ chức đoàn tụ là Hàn Quốc phải hủy tập trận chung với Mỹ (vừa bắt đầu hôm 24/2 và sẽ kéo dài tới cuối tháng 4). Tuy nhiên, sau đó Bình Nhưỡng bất ngờ nhượng bộ.
Quan trọng hơn, trước và trong bối cảnh Mỹ-Hàn tổ chức tập trận chung thường niên quy mô khủng, Triều Tiên tỏ ra bình tĩnh hơn, không phát động “chiến tranh ngôn từ” hay bất cứ động thái khiêu khích, hiếu chiến nào để bày tỏ sự phản đối của họ như năm ngoái.
Dù Triều Tiên nhiều lần tuyên bố phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm nay nhưng mức độ quyết liệt và gay gắt không bằng năm ngoái khi Bình Nhưỡng mạnh mẽ đe dọa tấn công hạt nhân chống lại Seoul và Washington.
Ông Yu Shaohua, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu An ninh và Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc đồng ý rằng, phản ứng của Triều Tiên với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn "không còn quyết liệt như trước”. Đồng thời, ông Yu dự kiến, Bình Nhưỡng sẽ “tỏ thái độ tích cực hơn trong năm nay vì tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên làm cho họ cảm thấy không cần thiết phải phản ứng cực đoan hoặc tiến hành các hành động cực đoan như thử hạt nhân, bắn tên lửa”.
Trong khi đó, Wang Junsheng, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Mức độ và quy mô của cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm nay không bằng năm ngoái. Điều này phản ánh sự dè dặt của liên minh Mỹ-Hàn trước Triều Tiên. Dường như cả Seoul và Bình Nhưỡng đều đang thử phản ứng của nhau”.
Tuy nhiên, ông Wang Junsheng cũng cho rằng: “Sau tất cả, mối ngờ vực giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vô cùng sâu sắc và khó lòng tháo gỡ ngay tức thì. Sự cảnh giác ở Seoul vẫn rất cao khi Bình Nhưỡng chưa chịu từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Bình Nhưỡng rõ ràng không dễ từ bỏ chính sách hạt nhân của họ”.