Hàn Quốc "chọc tức" Triều Tiên khi nước này đã cho phát các chương trình nhạc Hàn K-pop, dự báo thời tiết và phê bình chính trị qua hàng loạt loa phóng thanh cỡ lớn đặt sát biên giới với CHDCND Triều Tiên, sau vụ Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.
“Chúng tôi đang phát đi những thông điệp chỉ trích chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và vụ thử hạt nhân thứ tư, nói rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đẩy người dân vào thời kỳ khốn khó hơn về kinh tế”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc. Quan chức này cho biết, rất nhiều bài “hit” gần đây được chọn để “chương trình trở nên thú vị”.
Dùng loa phát thanh là chiến thuật chiến tranh tâm lý có từ thời Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. |
Những bài hát và giai điệu được chọn thuộc nhiều thể loại, trong đó có những bài được yêu thích nhất của nhóm nhạc nam Big Bang và ban nhạc nữ GFriend. Bản “hit” nhạc dance có phần tục tĩu của Big Bang có đoạn điệp khúc: “Như thể bạn vừa bị bắn/ Bang Bang Bang”, trái ngược với giọng rền rĩ trong lời bài hát của Gfriend: “Chúng ta đều e thẹn/ Nhưng tôi muốn đến gần hơn với bạn”.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không đưa ra lời giải thích nào về việc chọn những bài hát này để gửi thông điệp nào đó đến Triều Tiên. Một bài hát không thuộc dòng nhạc K-pop là bản ballad “Cuộc đời trăm tuổi” của ca sĩ 52 tuổi Lee Ae-ran. Bài hát này là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với hiện đại, có phần điệp khúc lấy cảm hứng từ bài dân ca “Arirang” được người dân cả hai miền Triều Tiên yêu thích.
Nội dung bài hát nói về một người cứ mỗi thập kỷ lại bị thần chết viếng thăm, nhưng từ chối đi về thế giới bên kia vì vẫn còn quá nhiều thứ để sống. “Ở tuổi 80, nếu thần chết đến mang tôi đi/Xin hãy nói với ông ấy, tôi vẫn còn rất có ích nên không thể đi bây giờ” là một câu trong bài hát. Bài hát này đang gây sốt ở các phòng karaoke khắp Hàn Quốc và đã sản sinh ra nhiều lời nhại, trong đó hình tượng thần chết được thay thế bằng ông chủ hay bà mẹ độc đoán.
Ăn miếng trả miếng
Đáp lại, Triều Tiên cũng cho lắp dàn loa ngay biên giới hai nước, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin. Nhưng có vẻ cách đáp trả của Bình Nhưỡng không mấy tác dụng. Hồi tháng 8/2015, Triều Tiên cũng đáp trả chiến dịch loa phóng thanh của Hàn Quốc bằng cách lắp các loa phóng thanh tương tự. Tuy nhiên, các quan chức quân sự Hàn Quốc nói rằng, chất lượng loa phóng thanh của Triều Tiên quá tệ và gần như không thể hiểu họ đang muốn nói điều gì. “Binh lính Hàn Quốc không hiểu thông điệp từ miền Bắc. Chúng chỉ giống tiếng kêu vo vo”, Korea Times dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc.
Lần này, Hàn Quốc cho lắp các giàn loa cỡ lớn tại 10 địa điểm, chưa kể các loa di động. Tiếng loa phát thanh của Hàn Quốc có thể đi xa đến 24km vào ban đêm và 10km vào ban ngày, nhằm tác động người dân ở thành phố Gaeseong cách khu phi quân sự chỉ 10km, cùng với hàng trăm ngàn binh lính đang làm nhiệm vụ dọc biên giới.
Dùng loa phát thanh là chiến thuật chiến tranh tâm lý có từ thời Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và luôn khiến Triều Tiên tức giận vì tác động không nhỏ đến binh lính của họ. Năm ngoái, khi biên giới căng thẳng, Hàn Quốc sử dụng chiến thuật này và khiến Triều Tiên tức giận đến mức đe dọa nã pháo vào dàn loa nếu Seoul không tắt chúng. Hàn Quốc cho dừng chiến dịch này sau khi hai nước đạt được thỏa thuận nhằm giảm nhiệt căng thẳng tưởng chừng sắp bùng nổ xung đột vũ trang. Lần này, Triều Tiên coi việc khôi phục chiến dịch loa phóng thanh là hành động chiến tranh và vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận. Hàn Quốc cho biết, họ đã cho tăng cường phòng thủ an ninh mạng.