Nhiệt độ cao và hạn hán đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, ảnh hưởng đến sản xuất điện vào thời điểm các nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với giá dầu và khí đốt cao chưa từng có, theo trang Business Standard.
Tại Pháp, nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, một số nhà máy dọc sông Rhone và Garonne đã buộc phải giảm sản lượng vì nhiệt độ nước sông quá cao không thể làm mát các nhà máy. Điều này càng làm giảm nguồn cung cấp điện sau khi hàng chục trong số 56 nhà máy hạt nhân của nước này ngừng hoạt động để bảo trì theo kế hoạch. Lượng mưa ở Pháp trong tháng 7 giảm 84% so với năm trước. Trữ lượng nước sông và hồ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Sản lượng điện hạt nhân và thủy điện ở Pháp giảm mạnh, tuần tự khoảng 30% và 60%.
Na Uy đã thay vị trí của Nga, trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Ảnh: REUTERS |
Tình hình ở Ý cũng không khá hơn. Phía Bắc của Ý, nơi có sông Po - con sông dài nhất đất nước cũng như các nhà máy thủy điện chính của nước này đang đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Mực nước sông Po giảm gần 50% so với mức trung bình của các năm trước.
Công ty năng lượng Enel cho biết một nhà máy gần Piacenza (phía đông nam Milan) đã ngừng hoạt động vô thời hạn vào tháng 6 và hầu hết các nhà máy thủy điện khác không hoạt động hết công suất do nước sông Po cạn. Theo Utilitalia - liên đoàn các công ty cấp nước của Ý, từ tháng 1 đến tháng 5, sản lượng thủy điện đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Na Uy - nhà xuất khẩu điện số 1 châu Âu và vốn được coi là “pin của châu Âu” là nguồn trông đợi chính khi không có khí đốt Nga - đang chuẩn bị hạn chế xuất khẩu điện do thiếu nước vận hành thủy điện.