Được thành lập cùng thời gian với lực lượng lục quân, Quân chủng Hải quân Mỹ được biết đến là quân chủng có lịch sử lâu đời nhất trong Quân đội Mỹ và là một trong 7 lực lượng mang đồng phục của Mỹ. Ngày 13/10 tới đây sẽ là ngày kỷ niệm 240 năm thành lập lực Quân chủng Hải quân Mỹ (13/10/1775 – 13/10/2015).
Trải qua 240 năm hình thành và phát triển, Hải quân Mỹ hiện nay đã trở thành một lực lượng nòng cốt của Quân đội Mỹ trong các hoạt động và sứ mệnh quân sự trải dài khắp các đại dương trên toàn cầu.
Cờ của Quân chủng Hải quân Mỹ. |
Theo báo cáo tình trạng Hải quân Mỹ (Status of the Navy) tính đến ngày 8/7/2015, Hải quân Mỹ có khoảng 326.404 quân đang phục vụ, trong đó có 54.644 sĩ quan, 268.435 binh sĩ và 3.325 học viên đang theo học tại các đơn vị đào tạo hải quân. Ngoài ra, có khoảng 109.834 nhân viên trong lực lượng hải quân dự bị và khoảng 195.259 công dân đang được tuyển chọn.
Hải quân Mỹ có 273 tàu đang hoạt động và số tàu được triển khai trên các khu vực là 94 tàu chiếm 34% tổng số tàu hiện có của Hải quân Mỹ. Cũng theo báo cáo tình trạng hải quân, Hải quân Mỹ đang triển khai ba Liên đội tàu sân bay ở Thái Bình Dương gồm: Liên đội tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), USS George Washington (CVN 73) và USS Ronald Reagan (CVN 76) cùng tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard (LHD 6).
Tại khu vực Hạm đội 5 đảm trách có Liên đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và tàu tấn công đổ bộ USS Essex (LHD 2). Khu vực đảm trách của Hạm đội 6 có tàu tấn công đổ bộ USS Iwo Jima (LHD 7). Ngoài ra, Hải quân Mỹ đang duy trì khoảng trên 3700 máy chiến đấu các loại.
(Ảnh minh họa). |
Quân chủng Hải quân Mỹ được biết đến là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hạm đội tác chiến lớn hơn tổng trọng tải hạm đội tác chiến của 13 lực lượng hải quân lớn kế tiếp trên thế giới cộng lại. Hải quân Mỹ cũng có một đội ngũ tàu sân bay lớn nhất thế giới, với 10 chiếc đang phục vụ và một chiếc USS Gerald R. Ford (CVN-78) đang được đóng và sẽ gia nhập lực lượng hải quân vào năm 2019.
Quân chủng Hải quân Mỹ có lịch sử từ Hải quân Lục địa được thành lập trong thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775–1783) và bị giải thể từ từ và hoàn toàn sau chiến tranh. Hiến pháp Mỹ tạo cơ sở pháp lý để thành lập một lực lượng quân sự bằng cách giao cho Quốc hội Mỹ quyền lực tạo ra và duy trì một lực lượng hải quân.
Sự kiện hàng hải Mỹ thường hay bị quấy nhiễu bởi cướp biển dọc bờ biển Berber trong Địa Trung Hải đã khiến cho Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Hải quân 1794, ra lệnh đóng và triển khai sáu khu trục hạm loại nhỏ. Các chiến hạm này được sử dụng để kết thúc các hoạt động của những hải tặc ngoài khơi Duyên hải Berber. Trong thế kỷ 20, khả năng hoạt động xa ngoài khơi của Hải quân Mỹ được chứng minh qua chuyến hải trình vòng quanh thế giới kéo dài 2 năm từ năm 1907–1909 và được biết với tên gọi là Hạm đội Great White.
(Ảnh minh họa). |
Trong thế kỷ 21, Hải quân Mỹ tiếp tục là một lực lượng hỗ trợ chính yếu cho những lợi ích của Mỹ, giúp Quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện đáng kể trên toàn cầu, triển khai tại các khu vực như: châu Á-Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, và Trung Đông. Đây là một lực lượng hải quân hoạt động xa có khả năng triển khai lực lượng đến tất cả vùng biển sâu trên thế giới, phản ứng nhanh trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng, là một lực lượng tích cực phục vụ cho chính sách phòng thủ và ngoại giao của Mỹ.
Hải quân Mỹ đảm nhiệm sứ mệnh duy trì, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu và có khả năng chiến thắng chiến tranh, ngăn chặn hành động gây hấn và duy trì sự tự do trên biển. Ngoài ra, sứ mệnh của Hải quân Mỹ là bảo vệ quyền lợi và đồng minh của Mỹ trong việc đi lại tự do trên đại dương và bảo vệ quốc gia, chống lại kẻ thù của quốc gia Mỹ.
(Ảnh minh họa). |
Hải quân Mỹ phục vụ với vai trò là quân chủng trên biển. Tại Mục 5062, Điều 10 Bộ luật Mỹ nêu lên ba nhiệm vụ chính của hải quân gồm: Chuẩn bị các lực lượng hải quân cần thiết để tiến hành chiến tranh hiệu quả; Duy trì không lực hải quân, bao gồm không lực hải quân trên bộ, vận tải hàng không cần thiết cho các hoạt động của hải quân và tất cả các loại vũ khí phòng không, kỹ thuật phòng không sử dụng trong các chiến dịch và hoạt động của hải quân; Phát triển các loại phi cơ, vũ khí, chiến thuật, kỹ thuật, tổ chức và trang thiết bị cho các đơn vị phục vụ và tác chiến hải quân.
Về tổ chức biên chế, Hải quân Mỹ được Bộ Hải quân điều hành và người đứng đầu bộ là Bộ trưởng Hải quân. Bộ Hải quân Mỹ tự nó là một bộ nằm dưới quyền Bộ Quốc phòng Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lãnh đạo. Sĩ quan cao cấp nhất là Tư lệnh Tác chiến Hải quân. Bộ trưởng và Tư lệnh Hải quân có trách nhiệm tổ chức, tuyển mộ, huấn luyện, và trang bị cho lực lượng hải quân sẵn sàng tác chiến dưới quyền tư lệnh của các tư lệnh thuộc các Bộ tư lệnh Tác chiến Thống nhất (tư lệnh chung cho cả hải - lục - không quân).
Về lực lượng tác chiến, Hải quân Mỹ có 9 thành phần gồm: Bộ tư lệnh Các lực lượng Hạm đội Mỹ (USFFC); Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (USPACOM), Bộ tư lệnh Các lực lượng Hải quân Mỹ đặc trách chiến trường miền Trung (USNFCC); Các lực lượng Hải quân Mỹ đặc trách chiến trường châu Âu (USNFE); Bộ tư lệnh Chiến tranh Thông tin Hải quân (NNWC); Hải quân dự bị Mỹ (USNR); Bộ tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt Hải quân (NSWC); Lực lượng Thử nghiệm và Giám định Vận hành (OTEF) và Bộ tư lệnh Hải vận Quân sự (MSC).
Hiện nay, Hải quân Mỹ duy trì 5 hạm đội gồm: Hạm đội 3, Hạm đội 4, Hạm đội 5, Hạm đội 6, và Hạm đội 7. Các hạm đội trong Hải quân Mỹ đóng vai trò là bộ phận cung ứng lực lượng; chúng không tiến hành các chiến dịch quân sự một cách độc lập mà đúng hơn là huấn luyện và duy trì các đơn vị hải quân để sau đó cung cấp thành phần lực lượng hải quân cho mỗi Bộ tư lệnh Tác chiến Thống nhất.
Ngoài ra còn có các bộ tư lệnh đặt trách trên bờ, được duy trì để hỗ trợ sứ mệnh của các hạm đội đi biển qua việc sử dụng các cơ sở vật chất trên bờ. Các cơ sở này rất là cần thiết cho các hoạt động liên tục và sẵn sàng của các lực lượng hải quân qua việc cung cấp nhiều dịch vụ như sửa chữa tàu, tiếp vận. Nhiều bộ tư lệnh khác nhau hiện diện đã phản ánh được mức độ phức tạp của Hải quân Mỹ ngày nay gồm có các hoạt động tình báo hải quân đến viện huấn luyện nhân sự đến hoặc bảo trì các cơ sở vật chất.
(Ảnh minh họa). |
Hai bộ tư lệnh đảm trách về việc sửa chữa và tiếp vận là Bộ tư lệnh Hệ thống Hải lực và Bộ tư lệnh đặc trách Hệ thống Không lực Hải quân. Các bộ tư lệnh khác như Cục Tình báo Hải quân, Cơ quan Quan sát Hải quân Mỹ, và Đại học Chiến tranh Hải quân, các đơn vị này sẽ tập trung vào chiến lược và tình báo. Các bộ tư lệnh đào tạo gồm có Trung tâm Chiến tranh Không lực và Tấn công Hải quân và Học viện Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, một lực lượng vô cùng quan trọng phải kể đến đó là Thủy quân Lục chiến, đây là lực lượng có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với Hải quân Mỹ. Lực lượng này được thành lập vào năm 1834 nằm dưới quyền của Bộ Hải quân Mỹ.
Sở dĩ, Hải quân Mỹ có mối quan hệ mật thiết với Thủy quân Lục chiến, một phần vì cả hai đều chuyên môn về các hoạt động trên biển. Ở cấp bậc cao nhất trong tổ chức dân sự thì Thủy quân Lục chiến Mỹ là thành phần của Bộ Hải quân Mỹ và trực tiếp báo cáo với Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Tuy nhiên thủy quân lục chiến được xem là một quân chủng riêng biệt và không phải là một bộ phận nhỏ của Hải quân Mỹ.
Sĩ quan cao cấp nhất của Thủy quân Lục chiến Mỹ là Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ không báo cáo trực tiếp với một sĩ quan nào của Hải quân Mỹ. Mối quan hệ này cũng mở rộng tại chiến trường. Với vai trò là lực lượng chuyên xung kích đổ bộ, Thủy quân Lục chiến Mỹ thường khai triển trên các tàu của Hải quân Mỹ và tấn công từ đó. Trong lúc được tàu hải quân vận chuyển thì họ phải tuân theo mệnh lệnh của chỉ huy tàu.
(Ảnh minh họa). |
Hiện nay, Hải quân Mỹ duy trì hoạt động 10 tàu sân bay gồm: USS Nimitz (CVN 68), USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69), USS Carl Vinson (CVN 70), USS Theodore Roosevelt (CVN 71), USS Abraham Lincoln (CVN 72), USS George Washington (CVN 73), USS John C. Stennis (CVN 74), USS Harry S. Truman (CVN 75), USS Ronald Reagan (CVN 76), USS George H.W. Bush (CVN 77) và 1 tàu sân bay Lớp-Gerald R. Ford đang được đóng.
Ngoài ra, để lấp đầy chỗ trống với sức mạnh tương tự như các tàu sân bay, Hải quân Mỹ còn có các tàu tấn công đổ bộ hiện đại như: USS Nassau (LHA 4), USS Peleliu (LHA 5) USS Wasp (LHD 1), USS Essex (LHD 2), USS Kearsarge (LHD 3), USS Boxer (LHD 4), USS Bataan (LHD 5), USS Bonhomme Richard (LHD 6), USS Iwo Jima (LHD 7), USS Makin Island (LHD 8) và một tàu lớp America đang được đóng.
Bên cạnh đó còn có 12 tàu vận tải đổ bộ thuộc các lớp: Austin, Whidbey Island, Harpers Ferry và 2 tàu chỉ huy đổ bộ lớp Blue Ridge.
Về đội tàu chiến đấu mặt nước có 22 tuần dương hạm lớp Ticonderoga, 62 khu trục hạm lớp Arleigh Burke và 3 khu trục hạm lớp Zumwalt đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Hải quân Mỹ cũng có lực lượng tàu ngầm hùng hậu nhất thế giới với 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio (SSBN), 4 tàu ngầm vũ trang tên lửa có điều khiển (SSGN) và 55 tàu ngầm tấn công (SSN). Ngoài ra còn có các máy bay và nhiều vũ khí, trang bị hiện đại khác.
(Ảnh minh họa). |
Có thể thấy rằng, Quân chủng Hải quân Mỹ là lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới và là lực lượng nòng cốt của Quân đội Mỹ trong các hoạt động và sứ mệnh quân sự trải khắp các đại dương trên thế giới.