Trong khi Mỹ tham dự tập trận Hải quân với hơn 20 quốc gia khác, Trung Quốc vì không được mời đã tự tổ chức cuộc tập trận riêng. Một số chuyên gia đánh giá rằng về mặt "kết bạn" với hải quân các quốc gia khác, Mỹ đã vượt mặt Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đã khởi động cuộc tập trận hải quân lớn nhất trên thế giới có tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) từ ngày 27/6 với sự góp mặt của 46 chiến hạm, tàu ngầm cùng 200 máy bay quân sự và 25.000 binh sĩ từ 25 quốc gia.
Tàu của Hải quân Singapore đến Hawaii dự RIMPAC 2018. Ảnh: CNN |
RIMPAC là cuộc tập trận tổ chức 2 năm một lần do Mỹ chủ trì. Mặc dù trong năm 2014 và 2016, Trung Quốc đã tham dự cuộc tập trận này nhưng đến năm 2018, Lầu Năm Góc quyết định rút lại lời mời Bắc Kinh tham dự. Động thái này của Mỹ là nhằm gửi tín hiệu phản đối tới Bắc Kinh trước hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Năm nay, trong khi các chiến hạm quốc gia khác rẽ sóng đến Hawaii dự RIMPAC thì Trung Quốc lại tự tổ chức tập trận hải quân riêng có bắn đạn thật từ ngày 17/6.
Ngày 28/6, phát biểu trước phóng viên, các tướng lĩnh quân đội Mỹ nhấn mạnh RIMPAC có mục đích “xây dựng các mối quan hệ”, đồng thời đề cập đến những quốc gia lần đầu góp mặt trong cuộc tập trận hải quân này như Malaysia và Philippines.
Chỉ huy Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, Chuẩn Đô đốc John Alexander nói: “Chúng tôi hợp tác cùng nhau, xây dựng quan hệ tại đây như vậy về sau rất khó để từ chối một người bạn”.
Hải quân Mỹ tiết lộ nội dung cuộc tập trận RIMPAC năm nay còn bao gồm thử tên lửa mới, huấn luyện đổ bộ, phá mìn và chống hải tặc.
Ngoài việc “để tâm” đến những quốc gia lần đầu tham dự tập trận RIMPAC, Mỹ cũng dành nhiều ưu tiên với những đồng minh.
Các Đô đốc Canada và Nhật Bản sẽ giữ vị trí chỉ huy cấp cao trong cuộc tập trận này.
Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương Mỹ, nhận xét: “Lòng tin được xây dựng trong RIMPAC là thành quả chung khi chúng ta cùng phản ứng với khủng hoảng tiềm tàng”.
Các thành viên của quân đội Canada tham gia RIMPAC ngày 28/6. Ảnh: CNN |
Kênh CNN (Mỹ) dẫn nhận định của các nhà phân tích đánh giá RIMPAC cho thấy Hải quân Mỹ quảng giao và kết bạn tốt hơn so với Hải quân Trung Quốc.
Cựu lãnh đạo Trung tâm Tình báo Phối hợp thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ - ông Carl Schuster phân tích: “Việc Trung Quốc vắng mặt trong cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh đã để tuột mất cơ hội để thiết lập mối quan hệ chuyên nghiệp và tiềm năng với hải quân các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu”.
Ông Schuster còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc chưa từng chủ trì cuộc tập trận đa quốc gia nào quy mô như RIMPAC.