Vụ việc hai nhân viên ngân hàng Eximbank chi nhánh TP HCM (đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM) bị bắt do liên quan đến vụ việc Lê Nguyễn Hưng - nguyên giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM - đã bị khởi tố, truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 245 tỷ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nữ cán bộ Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi, nhân viên phòng khách hàng của Eximbank chi nhánh TP HCM bị bắt và bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là xứng đáng. Bởi hành vi của hai nữ cán bộ này đã giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng trong việc chiếm đoạt tiền ngân hàng Eximbank của khách hàng. Cụ thể, hai nữ nhân viên đã thực hiện không đúng các quy định của Eximbank về trình tự, thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ cho khách hàng rút tiền gây thiệt hại cho Eximbank.
Cuộc khám xét Eximbank Chi nhánh TP HCM của C44 Bộ Công an được cho liên quan đến vụ việc khách hàng Chu Thị Bình tố bị chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại đây. Nguồn ảnh: Vietnamnet |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác tỏ ra thương cảm với hai nữ nhân viên ngân hàng trên bởi họ làm nhân viên, không cố ý thực hiện hành vi nhưng bị yêu cầu nhận chứng từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách. Nói là sơ suất, bị ép buộc hay cố ý thực hiện hành vi của họ bây giờ còn hơi sớm khi cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ. Tuy nhiên, sai sót của hai nữ nhân viên đã được xác định rõ ràng khi đã giúp sức, tạo điều kiện cho Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tiền ngân hàng Eximbank của khách hàng.
Xâu chuỗi lại toàn bộ vụ án trên, có thể khẳng định, Lê Nguyễn Hưng - nguyên giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM có vai trò chủ đạo trong việc chiếm đoạt tài sản với số tiền 245 tỷ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình. Bộ Công an cũng đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can Lê Nguyễn Hưng, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản thân Lê Nguyễn Hưng được xác định là đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Quá trình điều tra vụ án cho thấy, nữ đại gia thủy sản Chu Thị Bình là khách hàng VIP, gửi số tiền tiết kiệm lớn tại chi nhánh Eximbank chi nhánh TP HCM. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, sau khi được bà Chu Thị Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Lê Nguyễn Hưng cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn. Ông Lê Nguyễn Hưng sau đó giả mạo 1 số giấy tờ và tạo các giấy tờ có chữ ký khống của bà Bình để rút tiền từ các số tiết kiệm của bà này, sau đó bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi xuất cảnh ra nước ngoài từ tháng 2/2017.
Nghi ngờ việc làm mờ ám của ông Lê Nguyễn Hưng, nên bà Chu Thị Bình đã đến ngân hàng kiểm tra thì tá hỏa khi phát hiện số tiền hàng trăm tỷ đồng tiết kiệm của mình thất thoát không rõ lý do.
Bức xúc, bà Chu Thị Bình đến gặp lãnh đạo Eximbank và gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an. Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định ông Hưng lợi dụng chức vụ lập các giấy ủy quyền để rút tiền không đúng quy định, chi trả không đúng người nhằm chiếm đoạt tài sản.
Qua đó cho thấy, dù hai nữ nhân viên bị bắt không cố ý tuy nhiên họ đã không thực hiện đúng quy định, mắc sơ suất trong nghiệp vụ và giờ đây buộc phải trả giá khi vướng vào lao lý không đáng có. Có lẽ với họ, đây là cái giá quá đắt. Nhưng ở thời điểm thực hiện hành vi, họ là những nhân viên không thể không làm theo chỉ đạo của “sếp” là ông Lê Nguyễn Hưng khi bị ông này yêu cầu. Nếu đó là sự thật thì hai nữ nhân viên rơi vòng lao lý rất đáng tiếc.
Thực tế, nếu không phải là hai nữ nhân viên thì bất cứ một nhân viên ngân hàng nào cũng có thể mắc những sai lầm tương tự. Đã có không ít những vụ án, bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa chỉ vì làm theo mệnh lệnh của cấp trên nhất là trong những lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán…vốn là những ngành nghề khá nhạy cảm.
Không nghe lệnh “sếp” thì rất dễ mất việc, thế nên việc gật đầu, thực hiện giao dịch, mặc dù trái với quy định nội bộ, trái pháp luật rất dễ xảy ra. Trong những tình huống như trên, là những nhân viên, họ luôn đứng trước rủi ro nghề nghiệp khi không nghe lệnh sếp và rủi ro pháp lý khi sếp làm trái quy định của pháp luật. Bởi vậy, trong những trường hợp cần thiết, các nhân viên luôn phải tỉnh táo cân nhắc về trách nhiệm pháp lý cho bản thân. Nếu phải lựa chọn giữa rủi ro mất việc và việc mất tự do trong cuộc sống khi phải ở tù thì rõ ràng, sự lựa chọn mất việc là khôn ngoan nhất. Bởi không đi con đường này sẽ có nhiều con đường khác để đi. Nhưng khi không có tự do thì cánh cửa cuộc đời coi như đã khép lại.
Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng họ tham gia tạo cơ sở cho Lê Nguyễn Hưng vi phạm pháp luật chứ không chỉ là vấn đề pháp lý của các nhân viên sai sót về trình tự, thủ tục.