Hài hước chuyện cai nghiện rượu khó hơn cả cai ma túy
Người nghiện rượu rất khó cai bỏ, bởi quá trình uống rượu lâu năm khiến nội tạng của họ tổn thương nghiêm trọng, cai đột ngột sẽ dẫn đến nguy cơ thiệt mạng.
Theo PGS. TS Bùi Quang Huy – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103, một người uống rượu liên tục không nghỉ mỗi ngày trên 300ml rượu 40 độ được coi là nghiện rượu. Đáng chú ý, nhiều người trong số đó, chỉ vì rượu mà hóa tâm thần, thậm chí có người phải bán mạng cho “con ma men” này.
Đáng sợ là thế, dễ chết là vậy, nhưng việc cai nghiện rượu chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi phần lớn những người nghiện rượu thường đã trải qua thời gian dài uống rượu, có người lên tới 10 – 20 năm, thậm chí 30 năm nên chức năng gan, phổi, tim, thận của họ rất kém, cai nghiện đột ngột rất dễ chết.
|
Ngày càng nhiều bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu, bia. |
Ngoài ra, việc tái nghiện rượu cũng không khác gì so với nghiện ma túy. Để nghiện rượu có thể mất nhiều năm, nhưng để tái nghiện rượu có thể chỉ mất 3 ngày uống rượu liên tục. Nay đi đám cưới uống, mai đi đám giỗ uống, ngày kia đi sinh nhật cũng uống thì việc quay trở lại nghiện và uống nhiều rượu như ban đầu là chuyện đương nhiên.
Đặc biệt có tình trạng là những người bạn của bệnh nhân hay có xu hướng nài nỉ, ép hay làm đủ mọi trò để bệnh nhân phải uống rượu. Cho nên không có gì lạ khi năm nay bệnh viện chữa trị, cai nghiện thành công cho người này thì năm sau cũng chính người đó lại phải nhập viện vì nghiện rượu.
“Tôi còn nhớ, trước đây tôi có điều trị cho một bệnh nhân cai nghiện. Bệnh nhân này trẻ, có học thức và trình độ rất tốt. Thậm chí người này còn nhận thức khá rõ về tác hại của rượu với sức khỏe như ảnh hưởng đến gan, thận, tiểu đường…
Tuy nhiên, bệnh nhân lại có suy nghĩ rất khác người là chỉ coi việc nhập viện do sử dụng bia rượu là một dịp để cho các bộ phận như: gan, thận, tim nghỉ, các chức năng hồi phục. Nhưng chỉ sau 3,4 tuần điều trị khả quan, bệnh nhân về nhà lại tái nghiện”, BS Huy kể lại.
|
Rượu khiến bao gia đình tan nát. (Ảnh: Tintaynguyen). |
Cũng theo BS Huy, hài hước ở chỗ, có những bệnh nhân vào viện thường xuyên tới nỗi bác sĩ có thể định sẵn được lịch là kiểu gì khoảng thời điểm này người đó sẽ vào. Hỏi ra mới biết người này có đặc thù làm việc là tiếp thị, phải tiếp khách nhiều, mùa bán được ít hàng, không phải uống rượu nhiều thì vào viện điều trị bệnh do rượu, còn mùa bán nhiều thì nghiện lại.
“Buồn cười là bệnh nhân ra vào viện nhiều tới mức, năm nào nhập viện cũng phải xin vào khoa Tâm thần chứ không xin vào các khoa khác vì “quen được điều trị” ở đây”, BS Huy kể lại.
Theo các chuyên gia, tuy việc cai nghiện rượu là một việc tương đối khó khăn, phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, cả về vật chất và tinh thần. Nhưng để có được kết quả tốt nhất thì chính người bệnh phải luôn tự nhận thức được bản thân, có ý thức trong viêc cai rượu nhằm giữ gìn sức khỏe cho mình, tránh xa bệnh tật và nguy cơ thiệt mạng chỉ vì bị “ma men” lôi kéo.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: "Mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động".
Việt Nam có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,1 tỷ lít bia. Năm 2016, lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở nước ta là 8,3 lít cồn nguyên chất.
Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên).
Xu hướng uống rượu ở tuổi trẻ gia tăng, nguy hại lớn với sức khỏe người dân, trong đó có tai nạn giao thông. 36% vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, chưa tính bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng.
Sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.