Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương về công tác quản lý nhà nước với các khu công nghiệp, tình hình triển khai các khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh đã thành lập 17 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.738 ha, trong đó có 12 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh, 5 khu công nghiệp đang giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng và xúc tiến thu hút đầu tư.
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tại cuộc họp. |
Đến hết tháng 9/2024, các khu công nghiệp đã thu hút 410 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 321 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 23 quốc gia, vùng, lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,29 tỷ USD, 89 dự án trong nước với tổng vốn 17.600 tỷ đồng.
Đến nay, có khoảng 299/410 dự án thứ cấp trong khu công nghiệp đã thực hiện đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khoảng 10,8 vạn lao động trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, hiện tại Hải Dương đang có nhiều cơ hội thu hút đầu tư, đặc biệt là quy hoạch nhiều khu công nghiệp, nguồn tài nguyên đất và lao động dồi dào, thuận lợi cả về giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương rút kinh nghiệm về công tác giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát lại các thủ tục hành chính, nếu có vướng mắc phải báo cáo tỉnh tháo gỡ ngay.
Bên cạnh đó, cần bố trí cán bộ phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp để năm 2025 các chỉ số cải cách hành chính của Ban Quản lý các khu công nghiệp phải đứng ở tốp đầu.
Dự án của Công ty TNHH sản xuất công nghệ Biel Crystal Việt Nam trong KCN An Phát 1 đang được triển khai thi công. |
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đôn đốc dự án chậm tiến độ, xem xét việc gia hạn các dự án, đặc biệt dự án chậm nhiều năm phải báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ, tránh gia hạn nhiều mà không hiệu quả, lãng phí. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu tỉnh thu hồi đất đối với các dự án không bảo đảm yêu cầu.
Đồng thời, cử cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên phụ trách từng khu công nghiệp theo dõi sát sao việc giải phóng mặt bằng, tiến độ xây dựng hạ tầng, thực hiện cam kết của các chủ đầu tư và phải có số liệu báo cáo hàng tuần gửi Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu tổ chức chu đáo, quy mô xúc tiến đầu tư vào năm 2025 nhằm thu hút dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược.
Các sở có liên quan phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo UBND tỉnh Hải Dương để có biện pháp tháo gỡ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ đầu tư quây núi đá vịnh Hạ Long làm 'hòn non bộ' là ai?