Cục Thống kê Hải Dương vừa có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của tỉnh Hải Dương. Trong đó, nêu rõ, hoạt động đầu tư của địa phương.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân. Áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, khối lượng công việc nhiều khi chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc năm 2022, cần có giải pháp và quyết tâm cao của các chủ đầu tư.
Đến nay, dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương mới ước đạt 23,6% tổng mức đầu tư. |
Số liệu của Cục thống kê tỉnh Hải Dương, trong tháng 11, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 493 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 226 tỷ đồng, chiếm 45,8%, giảm 16,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 223 tỷ đồng, chiếm 45,2%, giảm 11,6%; cấp xã ước đạt 44 tỷ đồng, chiếm 9,0%, tăng 158,4%.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.366 tỷ đồng, đạt 75,1% kế hoạch năm, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.977 tỷ đồng đạt 69,7% kế hoạch năm, tăng 56,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 2.019 tỷ đồng đạt 79,5% kế hoạch năm, tăng 31,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 370 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch, tăng 96,1%.
Những con số trên cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương hiện nay không bảo đảm tiến độ và đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành trong tháng còn lại của năm. Nếu không sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì hệ lụy của nó sẽ còn ảnh hưởng sang cả những năm tới.
Trong đó, một số công trình lớn tỉnh Hải Dương đang thi công có thể kể đến như: Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (2019-2025 với tổng mức đầu tư là 783,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 3,5 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại đạt 316,5 tỷ đồng, ước đạt 40,4% tổng mức đầu tư;
Dự án xây dựng đường Vành đai I - đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (2021- 2023 với tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 là 10,0 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 209,8 tỷ đồng, ước đạt 23,7% tổng mức đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương với tổng mức đầu tư 1.499,7 tỷ đồng, ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 25,5 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 151,8 tỷ đồng, ước đạt 10,1% tổng mức đầu tư;
Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương, (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 17,1 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 417,8 tỷ đồng, ước đạt 23,6% tổng mức đầu tư;
Dự án xây dựng đường trục Đông Tây trên địa bàn huyện Kim Thành, từ nút giao lập thể với QL5 đến bùng binh xã Ngũ Phúc (2022-2023 với tổng mức đầu tư là 232,5 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 9,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 29,0 tỷ đồng, ước đạt 12,5% tổng mức đầu tư...
Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện nay không đảm bảo tiến độ, nhưng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương vẫn lưu ý việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng thời nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra; khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn, có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm
Nguồn: VTV4