HĐND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Nghị quyết về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
6 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Theo Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp; tỉnh Hải Dương phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối mặt với sức ép lớn, vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, thích ứng với các diễn biến bất lợi, khai thác hiệu quả các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, dự kiến vượt và đạt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, một số kết quả nổi bật: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 10,2% (vượt mục tiêu tăng trên 9%), đứng thứ 06/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; quy mô nền kinh tế tăng gần 1,14 lần so với năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước vượt 46,7% dự toán.
Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng kết nối liên vùng hoàn thành mở rộng không gian phát triển mới. Hoàn thiện các thủ tục trình thẩm định, công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại III.
Tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 64.360 tỷ đồng, tăng 12,1%.
Kịp thời ban hành thực hiện nhiều chính sách về an sinh xã hội; hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Chất lượng giáo dục tiếp tục được khẳng định, nằm trong tốp 15 tỉnh có kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt nhất và tốp đầu toàn quốc về thành tích học sinh giỏi quốc gia. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến. Lĩnh vực lao động việc làm được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động văn hóa, thể thao và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển.
Chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả cơn bão số 3; xử lý hơn 497 sự cố đê điều, thủy lợi ứng phó với bão và hoàn lưu sau bão.
Thực hiện đồng bộ, toàn diện việc xây dựng thể chế. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, được giữ vững.
Năm 2025 tăng tốc, bứt phá, về đích
Hải Dương xác định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tỉnh Hải Dương đưa ra 15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 10%; Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 30%; Thu ngân sách nội địa tăng trên 10% so với dự toán; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 212 triệu đồng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 20,2%; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10% so với thực hiện năm 2024; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% trở lên; Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 55%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95%; Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia: Mầm non 79,7%, Tiểu học 98,7%, Trung học cơ sở 95%, Trung học phổ thông 90,2%;
Số giường bệnh (không tính các trạm y tế cấp xã) đạt 33,8 giường/ 01 vạn dân; 13 bác sĩ/ 01 vạn dân; Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 0,43%; 100% các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; Tỷ lệ các dự án thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 100%.
Đồng thời đề ra 18 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của các ngành, lĩnh vực. Theo đó, Tổ chức rà soát và điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch chuyên ngành phù hợp với quy hoạch tỉnh. Trình thẩm định và phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.
Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Rà soát và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư phát triển hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án vào các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp. Ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, công nghiệp hỗ trợ.
Điều hành ngân sách chủ động, tiết kiệm ngay từ đầu năm 2025; tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản, thiết yếu, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, việc thực hiện các mục tiêu đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục, văn hóa và bảo vệ môi trường; khai thác hiệu quả không gian phát triển mới.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án y tế, giáo dục; tiếp tục rà soát đầu tư xây dựng phòng học thiếu các cấp học; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện, bếp ăn bán trú, nhà vệ sinh trường học.
Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giáo dục và đào tạo, gắn với thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của hệ thống y tế công lập từ tỉnh đến cơ sở; thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển mạnh các cơ sở y tế tư nhân chất lượng cao; đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tăng cường làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Thực hiện hiệu quả Chương trình phát huy giá trị văn hoá Xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện thủ tục đất đai.
Thực hiện hoàn thành, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số. Triển khai Chiến lược dữ liệu tỉnh Hải Dương đến năm 2030 và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển đổi số chuyên nghiệp...
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện nghiêm túc việc tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nội dung hợp tác, liên kết theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết. Khai thác và tận dụng các lợi thế có được từ các cam kết, thỏa thuận quốc tế, hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng mối quan hệ hợp tác, đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Chủ động rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành để chỉ ra những bất cập, hạn chế nhằm đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn khiếu nại tố cáo của công dân tồn tại kéo dài chưa được xử lý triệt để.