Thông qua diễn tập, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cùng các chuyên gia an ninh mạng sẽ kiểm tra, đánh giá khả năng phát hiện, ứng phó và xử lý sự cố an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức của tỉnh Hải Dương.
Từ đó nâng cao kỹ năng phối hợp giữa các đơn vị, xây dựng, củng cố vững chắc hơn nữa quy trình xử lý sự cố an ninh mạng; tăng cường nhận thức về an ninh mạng cho toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương chủ trì tổ chức với sự phối hợp từ các chuyên gia an ninh mạng.
Quang cảnh buổi diễn tập |
Tại buổi diễn tập, các thành viên tham gia được chia thành 5 đội. Trong đó, 1 đội Red team (đội tấn công), gồm các chuyên gia an ninh mạng của Bkav. Đội này sẽ hướng dẫn quy trình sử dụng một số công cụ rà quét, tấn công lỗ hổng bảo mật phổ biến; triển khai quy trình tấn công vào các hệ thống giả lập do Blue team (đội phòng thủ) bảo vệ.
4 đội Blue team (đội phòng thủ), là đại diện lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Sở Thông tin và Truyền thông, một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh. Đội này phải triển khai quy trình, sử dụng công cụ hỗ trợ để điều tra lỗ hổng nhằm ứng cứu sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng.
Cuộc diễn tập nhằm đánh giá khả năng phát hiện, ứng phó và xử lý sự cố an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức của tỉnh Hải Dương |
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã tập trung triển khai nhiều nội dung về an toàn thông tin, như kiện toàn Đội ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin của tỉnh, tập huấn kiến thức cơ bản về an toàn thông tin cho các tổ công nghệ số cộng đồng; đánh giá cấp độ an toàn thông tin khi cài đặt tại Trung tâm Dữ liệu (DC) của tỉnh; kết nối các hệ thống với dữ liệu dân cư quốc gia.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho 280 hệ thống thông tin của tỉnh, xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ phê duyệt hồ sơ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xác thực sinh trắc học: Làm sao để an toàn với Deepfake?