Mới đây, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Quang Huy - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính và bà Lâm Thị Hồng Tâm – Thủ quỹ của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) về tội tham ô tài sản. Cơ quan công an xác định, 2 bị can này đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt số tiền hơn 86 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi: Bằng cách nào 2 cá nhân trên có thể dễ dàng rút số tiền lớn như vậy? Ai tiếp tay?
Hiệu trưởng nhiều lần ký các tờ sec khống
Điều tra cho thấy, năm 2021, Tâm nhờ Huy cho mượn 500 triệu đồng từ nguồn quỹ của trường và được Huy đồng ý. Nhưng do quỹ tiền mặt không đủ, Tâm đề nghị Huy cho rút tiền từ tài khoản của Trường ĐH Bách khoa tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận Liên Chiểu.
|
Cơ quan công an đọc lệnh bắt giam ông Hoàng Quang Huy |
Để thực hiện việc rút tiền, Tâm sử dụng quyển sec ngân hàng đang được giao quản lý, điều thông tin vào và đưa Huy ký xác nhận, sau đó trình cho ông Đoàn Quang Vinh khi đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - chủ tài khoản ký duyệt. Sau vụ rút tiền đầu tiên được thực hiện suôn sẻ, Tâm nói với Huy là cần thêm nhiều tiền để chung vốn làm ăn với người khác nên đề nghị được tiếp tục “mượn” tiền từ tài khoản của trường.
Tâm nhiều lần đề nghị ông Vinh ký sec với lý do rút tiền nhập vào quỹ tiền mặt của trường để phục vụ các chi tiêu. Do sợ ông Vinh sẽ không đồng ý duyệt rút số tiền lớn nên Tâm bàn với Huy để trống số tiền cần rút trên sec khi trình lãnh đạo ký duyệt. Khi ông Vinh hỏi tại sao không ghi rõ số tiền vào các tờ sec thì Tâm trình bày là đã bàn với Huy và đợi Huy cân đối số tiền trong tài khoản rồi mới ghi vào cho phù hợp.
Đáng chú ý, theo kết quả điều tra, ông Vinh đã nhiều lần ký các tờ sec khống như vậy theo đề nghị của Tâm. Sau đó Tâm tự ghi số tiền muốn rút vào sec, đến ngân hàng chuyển vào các tài khoản cá nhân của Tâm và người khác để sử dụng vào mục đích cá nhân. Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến khi sự việc bị vỡ lở, Tâm đã tham ô của Trường ĐH Bách khoa số tiền hơn 86 tỷ đồng.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Nẵng đang tiếp tục điều tra, xác định trách nhiệm của ông Đoàn Quang Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa và một số cá nhân khác có liên quan đến vụ tham ô số tiền hơn 86 tỷ đồng tại Trường ĐH Bách khoa. Ngoài ra, số tiền hơn 86 tỷ đồng “rút ruột” từ tài khoản của Trường ĐH Bách khoa đã được Lâm Thị Hồng Tâm sử dụng như thế nào sẽ được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố tiếp tục điều tra, làm rõ.
|
Cơ quan chức năng khám xét nơi ở của Lâm Thị Hồng Tâm. |
Cần làm rõ trách nhiệm cựu Hiệu trưởng ĐH Bách khoa?
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của 2 cán bộ trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng rất liều lĩnh, coi thường pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và các cơ sở giáo dục và vi phạm pháp luật hình sự.
Từ kết quả điều tra ban đầu, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố với hai bị can về tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Theo quy định tại điều 353, với hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 86 tỷ đồng, hình phạt các bị can phải đối mặt có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo luật sư Cường, người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức , của cá nhân phải tuân thủ các quy định pháp luật về tài chính kế toán. Việc thu chi phải theo nguyên tắc phải có kế hoạch và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ tài khoản ký, đóng dấu thì mới được rút tiền trong tài khoản ra.
Do đó, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng lần rút tiền được thực hiện như thế nào, thủ tục rút tiền ra sao và số tiền đó được chuyển cho những ai quản lý, tiêu thụ.
Về nguyên tắc, không có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, kế toán, thủ quỹ không được phép rút tiền. Việc lấy tiền từ quỹ của nhà trường phải được sử dụng đúng mục đích, theo kế hoạch. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm rõ trách nhiệm liên đới của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đồng thời, cần làm rõ, tại sao hành vi chiếm đoạt tiền của nhà trường xảy ra một thời gian dài mà đến nay mới phát hiện? Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, giám sát tài chính của cơ sở giáo dục này để xem xét trách nhiệm.
Theo quy định của pháp luật, những người giúp sức, xúi giục cho người khác thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Bởi vậy, ngoài hai bị can đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có ai giúp sức, xúi giục cho các bị can này thực hiện hành vi phạm tội hay không.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số tiền mà các bị can chiếm đoạt được tiêu thụ, sử dụng như thế nào?. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã biết số tiền này là do phạm pháp và có nhưng vẫn chứa chấp, sử dụng sẽ bị xử lý hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Về mặt pháp lý, người nào biết số tiền này là do phạm tội mà có nhưng vẫn đã đưa vào kinh doanh, giao dịch để che giấu nguồn gốc tài sản sẽ bị xử lý hình sự về tội rửa tiền.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có đồng phạm hay không, có người khác phạm tội khác hay không để giải quyết triệt để vụ án này, đồng thời truy thu số tiền mà các bị can đã chiếm đoạt để trả lại cho nhà trường.
Vụ án này là bài học trong công tác quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục nói riêng và trong các cơ quan nhà nước nói chung. Đồng thời, cũng là bài học cho những cán bộ coi thường pháp luật, liều lĩnh khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản do mình quản lý.
Bởi vậy bên cạnh việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa để quản lý tốt hơn tài chính của các cơ quan, tổ chức. Cần tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với công tác tài chính để đạp vào quản lý nguồn thu, sử dụng tài chính đúng mục đích, có hiệu quả.
>>> Mời độc giả xem thêm video 2 cán bộ phòng GD&ĐT tham ô hơn 26 tỷ đồng