Biệt thự mặt phố 78 Nguyễn Du, nằm giữa ngã tư hai mặt tiền nhưng 6 năm bỏ hoang khó hiểu
Hai mặt tiền hướng ra ngã tư Nguyễn Du – Trần Bình Trong, căn biệt thự Pháp cổ ở số 78 Nguyễn Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm ở vị trí đắc địa giữa thủ đô, nơi ai cũng ao ước được sở hữu. Tuy vậy, ngôi nhà này đã 6 năm nay không có người lui tới, kiến trúc ngoại – nội thất đã có nhiều biểu hiện xuống cấp rõ rệt
Căn biệt thự gồm ba tầng rộng khoảng 500 m2. Ngôi nhà có 2 mặt tiền với cổng chính hướng thẳng ra hồ Thiền Quang. Vị trí căn biệt thự này đang tọa lạc được coi là một trong nhưng khu đất “kim cương” của Hà Nội khi mỗi m2 đất ở đây có thể lên tới 500 triệu/m2.
Với vị trí đắc địa kết hợp, diện tích mặt bằng rộng với lối kiến trúc cổ kính, đây là căn biệt thự ai cũng ao ước được sở hữu, mỗi một m2 khi đưa vào sử dụng đều có khả năng “hái ra tiền”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây 6 năm, đây từng là trụ sở chi nhánh của Ngân hàng Vietcombank. Sau đó ngân hàng này di chuyển trụ sở với lý do biệt thự xuống cấp không thể làm việc. Từ đó đến này, căn biệt thự vẫn bỏ không, không bóng người lui tới.
Không gian các phòng đều xập xệ. Toàn bộ nội thất bị mối mọt ăn mòn.
Nhiều người đi qua đây không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến vẻ hoang tàn của căn biệt thự cổ.
Chính quyền địa phương kết hợp với sở Xây dựng thành phố đã có kế hoạch trùng tu nâng cấp lại căn biệt thự.
Để trông coi ngôi nhà, Vietcombank thuê một người làm bảo vệ ở đây từ những ngày đầu biệt thự bỏ trống. “Do là biệt thự Pháp cổ nên không thể tùy tiện tu sửa, ngay sau khi có dấu hiệu xuống cấp, ngân hàng đã chuyển trụ sở mới. Tôi ở đây chỉ ở tầng 1, những tầng trên hoàn toàn không sử dụng tới nên theo thời gian mọi thứ đều xuống cấp", chú Thái bảo vệ căn nhà chia sẻ.
Ngã tư Hàng Bài giao với đường Trần Hương Đạo (quận Hoàn Kiếm) được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Hà Nội, Tại đây, mỗi m2 đất mặt đường có giá trị lên tới 700 – 800 triệu đồng, từng tấc đất được tận dụng một cách tối đa trở thành nơi ở, nơi làm việc, đặc biệt là địa bàn kinh doanh nhỏ lẻ của nhiều tiểu thương.
Trong khi đó, căn biệt thự hai mặt tiền rộng khoảng 1000 m2 nằm ở số 46 Hàng Bài nhiều năm nay lại bị bỏ hoang, xuống cấp trong sự tiếc nuối khó hiểu của người dân xung quanh.
Căn biệt thự Pháp cổ nằm ở vị trí đắc địa ngay ngã tư Hàng Bài giao với đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhiều năm nay, nơi đây rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”, xung quanh căn nhà được bao bọc bởi rào chắn kiên cố.
Toàn cảnh mặt sau của căn biệt thự Pháp cổ ở số 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Căn biệt thự này gồm hai tầng ở, một tầng tum được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp. Ngôi nhà nằm chính giữa mảnh đất, bao quanh là khu đất trống và nhiều cây cổ thụ tán rộng, quanh năm xanh mát. Nhìn toàn cảnh, nơi đây giống như một tòa lâu đài nằm im lặng giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, đến nay dấu ấn của lối kiến trúc Pháp đặc trưng vẫn còn hiện diện qua từng chi tiết của căn nhà: Kết cấu phần thô, chi tiết chạm khắc hoa văn, màu sắc của từng mảng tường loang lổ hay những cánh cửa cũ đã xuống cấp…
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, căn nhà vẫn giữ được lối kiến trúc Pháp cổ xưa trong từng chi tiết nhỏ.
Được biết, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, căn biệt thự 46 Hàng Bài là trụ sở của Nhà Xuất bản Văn học. Đến năm 1998, khi nhà xuất bản chuyển tới địa chỉ khác, mảnh đất này trải qua nhiều lần đổi chủ. Khoảng đầu những năm 2000, ngôi nhà được một cơ sở kinh doanh phong thủy thuê lại, tuy nhiên chỉ hoạt động một thời gian thì dời đi và bỏ hoang tới nay.
Sau gần 10 năm rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” biệt thự cổ có nhiều dấu hiệu xuống cấp trông thấy. Những mảng tường bong tróc, toàn bộ hệ thống cửa chính, cửa sổ ở các phòng đều sập xệ, không còn giá trị sử dụng. Xung quanh nhà, cây cối mọc um tùm, rêu phong bám đầy chân tường.
Tầng một của căn nhà được tận dụng để làm kho chứa xe máy cũ.
Hiện, chính quyền địa phương có thuê người trông nom căn nhà, người này hàng ngày ăn ở sinh hoạt tại đây và có trách nhiệm bảo vệ cơ sở vật chất phòng trường hợp có kẻ xấu. Theo đó, hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt ở đây vẫn được duy trì và tính phí những các hộ dân sinh thông thường.