Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ở Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày 35 - 38 độ, riêng vùng núi Trung Bộ có nơi trên 39 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10 - 16 giờ.
Đặc biệt, tại Hà Nội trời nắng nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ, có nơi trên 37 độ. Từ ngày 17 - 19/5, tại Thủ đô sẽ xuất hiện nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 37 - 39 độ.
Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến các tuyến đường giao thông vắng vẻ. Tại nhiều nút giao, việc phải dừng chờ đèn đỏ 70 - 90 giây giống như "cực hình" với người tham gia giao thông. Nhiều người đã tự ý vượt đèn đỏ hay núp dưới những chân cầu, bóng râm của cây để tránh cái nắng như thiêu đốt.
Thậm chí là việc dừng chờ rất xa và cả lấn sang làn bên khiến những phương tiện muốn rẽ phải hoặc rẽ trái rất khó khăn.
Nhiều người núp vào tán cây, chân cầu vượt khi đợi đèn đỏ. Ảnh: TL |
Việc phải đứng chờ đèn đỏ dưới cái nắng gay gắt gần 39 độ C khiến nhiều người trở nên mất kiên nhẫn. Tuy nhiên, việc người tham gia giao thông vượt đèn đỏ hay dừng dưới những bóng râm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và gây mất an toàn giao thông.
Chị Vũ Thị Huyền (36 tuổi, sống và làm việc tại đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Công việc của tôi là kế toán, thường phải chạy đi lại giữa ngân hàng và công ty. Đi từ công ty ra ngân hàng chỉ 3km mà cảm thấy khó thở vì nắng nóng. Đây mới chỉ là đợt nắng nóng đầu tiên mà đã thấy khổ lắm rồi”.
Luật sư Phạm Văn Kỳ, Văn phòng Luật sư Đức Năng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định, khi có tín hiệu đèn đỏ, người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch kẻ đường. Những trường hợp dừng, đỗ xe chờ đèn đỏ tại nơi có bóng râm để tránh nắng được coi là dừng đỗ xe dưới lòng đường, dừng đỗ sai quy định. Hành vi dừng đỗ tùy tiện này sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 - 200.000 đồng, áp dụng theo Luật Giao thông đường bộ.