Phản ánh tới báo điện tử Kiến Thức, ông Phạm Như Thủy (SN 1972, ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cho biết, gia đình ông vốn là nông dân chăn nuôi lợn nhiều năm ở địa phương.
Từ tháng 11/2018, gia đình ông Thủy nuôi một đàn lợn với số lượng là 214 con, tổng trọng lượng cả đàn lên đến hơn 14,7 tấn. Nhận thấy đàn lợn của gia đình khỏe mạnh, chuẩn bị bán được nên ngày 10/6/2019, gia đình ông Thủy mua 250 con lợn giống để về kế đàn, tiếp tục chăn nuôi, tăng gia sản xuất.
“Tất cả 250 con lợn giống kế đàn, với trọng lượng 4.248kg, đều có giấy tờ nguồn gốc và kiểm dịch rõ ràng của Chi cục chăn nuôi và thú y Bắc Giang và các ngành chức năng (nhập lợn của một Công ty trên địa bàn Bắc Giang - PV)”, ông Thủy khẳng định.
Khu chuồng lợn nhà ông Thủy bỏ không sau nhiều tháng cả hai đàn lợn bị tiêu hủy. |
Tuy nhiên, đến ngày 14/6/2019, gia đình ông Thủy phát hiện đàn lợn đến tuổi xuất chuồng 214 con xuất hiện triệu chứng nhiễm dịch tả châu Phi nên đã thông báo với chính quyền địa phương.
Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, trong các ngày 19/6 và 20/6/2019, gia đình ông Thủy đã phải tiêu hủy cả 2 đàn lợn giống 250 con và đàn lợn 214 con.
Trong đó, đàn lợn giống 250 con đã được kiểm dịch, gia đình ông Thủy không những không được hỗ trợ tiền tiêu hủy mà còn bị UBND xã Hồng Hà lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng về hành vi nhập đàn lợn trong khi trên địa bàn huyện đang có dịch. Gia đình ông Thủy sau đó đã chấp hành nghiêm chỉnh.
Với đàn lợn 214 con, dù bị tiêu hủy, nhưng đến nay gia đình ông Thủy vẫn chưa được nhận một đồng tiền hỗ trợ nào từ phía chính quyền. Trong khi đó, các hộ nuôi lợn khác trong cùng địa phương đã được hỗ trợ hết.
Gia đình ông Thủy vẫn phải chờ “dài cổ” tiền hỗ trợ hơn 200 con lợn dịch tả châu Phi mà không rõ lý do. |
“Căn cứ theo quyết định 793/QĐ-TTG 2019 về việc hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và điều kiện thực tế từ gia đình tôi, chúng tôi nhận thấy đàn lợn 214 con của gia đình hoàn toàn đủ điều kiện để được hỗ trợ…Từ khi bệnh dịch đến nay, chuồng trại của gia đình tôi vẫn để không, Tết Nguyên đán 2020 cũng sắp đến rồi mà gia đình vẫn phải đi vay mượn khắp nơi để trả nợ ngân hàng do số tiền vay vốn đầu tư nuôi cả hai đàn lợn nhiều quá - 1 tỷ đồng…”, ông Thủy xót xa chia sẻ.
Trước thông tin nêu trên, ngày 9/1/2019, PV Kiến Thức đã đến liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND xã Hồng Hà. Bước đầu, một cán bộ UBND xã cho biết, trường hợp của gia đình ông Thủy cần phải được hỗ trợ. UBND xã đã gửi các thủ tục lên UBND huyện đề nghị hỗ trợ người dân, bởi việc nhập lợn 250 con của gia đình đã bị xử phạt còn 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng bị mắc dịch và phải tiêu hủy là 2 việc khác nhau.
Liên quan đến việc này, trong công văn gửi UBND huyện Đan Phượng và gia đình ông Phạm Như Thủy, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Đan Phượng xem xét để hỗ trợ thiệt hại đối với đàn lợn 214 con của gia đình ông Thủy vì đã chăn nuôi tại thời điểm thống kê tháng 4/2019.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay gia đình ông Thủy vẫn phải chờ “dài cổ” tiền hỗ trợ hơn 200 con lợn dịch tả châu Phi?
Trước đó, sáng ngày 4/3/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN&PTNT, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong Hội nghị trực tuyến sáng 4/3. Ảnh: VGP. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phòng chống dịch bệnh này không chỉ là việc của Cục Thú y. "Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát và lây lan diện rộng" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường. Theo đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái. Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong Hội nghị.
Kiến Thức tiếp tục thông tin.