Số đông người ủng hộ
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đơn vị này vừa báo cáo kết quả Chương trình đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ và đề xuất lộ trình kiểm định khí thải.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường mời Tổng cục môi trường, Cục đăng kiểm Việt Nam, Công an Thành phố, các Sở, ngành liên quan, UBND các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Đông Anh và các chuyên gia tham dự cuộc họp tham vấn về kết quả thực hiện “Chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và thí điểm các giải pháp giao thông gắn kết với môi trường”.
Hà Nội dự kiến kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ từ năm 2024. |
Theo báo cáo, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên khí thải của 5.240 xe có tuổi đời trên 5 năm chỉ ra các xe máy đã qua 5 năm sử dụng có xu hướng phát thải vượt giới hạn cho phép hiện nay (tỉ lệ xe không đạt TCVN 6438:2018 mức 1 là 54,2% và không đạt mức 2 là 60,65%). Đồng thời việc bảo dưỡng đã được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khí thải xe máy, cụ thể tỷ lệ xe không đạt TCVN 6438:2018 mức 1 sau bảo dưỡng giảm mạnh còn 9,54%.
Từ ngày 12/11/2021 đến tháng 3/2022 chỉ có 4 xe máy được người dân tự nguyện đồng ý thải bỏ và nhận hỗ trợ đổi xe máy mới theo quy định của chương trình.
Khảo sát trực tiếp 3.867 chủ phương tiện xe máy ở Hà Nội cho thấy đa số người dân (86%) ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy. Mức phí kiểm tra khí thải được đa số người dân chấp thuận trong khoảng 30.000 - 50.000 đồng/lần với tần suất 1 lần/năm. Có khoảng 29% người dân cho biết sẽ đưa xe máy cũ, thải bỏ tới các điểm thu hồi theo quy định.
Theo phân tích và đánh giá, kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích. Về mặt kinh tế - xã hội, chính sách này sẽ không làm phát sinh chi phí cho người dân do chi phí từ việc tiết kiệm nhiên liệu (nếu bảo dưỡng định kỳ sẽ tiết kiệm đến 7% lượng nhiên liệu tiêu thụ) có thể bù đắp cho chi phí kiểm tra và bảo dưỡng xe.
Về mặt môi trường, chính sách này sẽ giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC (Hydrocarbon) phát thải. Hơn nữa, chính sách còn giúp giảm gánh nặng ngân sách từ các dịch vụ y tế cho việc khắc phục hậu quả do tác động của ô nhiễm không khí và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống...
Về lộ trình thực hiện, giai đoạn chuẩn bị (năm 2023): Xây dựng khung pháp lý và ban hành Kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy theo các giải pháp đề xuất; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí và hạn chế xe máy.
Xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành và các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến quản lý khí thải xe máy, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ kiểm định khí thải xe máy. Đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn toàn Thành phố về kiểm soát khí thải xe máy.
Cần khắc phục các lỗ hổng
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải đồng tình với đề xuất bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ xe gắn máy vì trên thế giới đã thực hiện từ lâu và đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần phải làm theo điều kiện, thói quen của người dân đề làm sao có hiệu quả thiết thực nhất.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội cần thực hiện việc kiểm soát khí thải xe máy và thu hồi, thải bỏ xe máy cũ một cách đồng bộ, tránh “đánh trống bỏ dùi”, “đầy chỗ này, hổng chỗ kia”.
“Xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, tất nhiên lượng khi thải của xe máy không ăn thua gì so với ô tô, nhưng do ở Việt Nam có lượng xe máy nhiều nên cũng có một phần gây ô nhiễm. Việc kiểm tra, đo đạc khí thải xe máy cũng phải được thực hiện kỹ càng, cẩn thận, bảo đảm lợi ích của người dân vì đây là phương tiện chủ yếu, là “cần câu cơm” của nhiều người, nhất là người nghèo
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, điều kiện, tiêu chuẩn khí thải xe máy của Việt Nam phải với thấp hơn so với tiêu chuẩn của Châu Âu, có thể chỉ 60 – 80%, vì nếu áp dụng 100% thì xe máy ở Việt Nam bị loại hết.
“Chúng ta cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói và đưa ra ví dụ: “Chiếc xe đã mua mấy chục năm nhưng không được sử dụng thường xuyên, đi ít, khí thải không vượt mức thì không cần phải kiểm tra, thu hồi. Nếu lấy thời hạn để đo đạc thì mất thời gian, chi phí”.
Vị chuyên gia giao thông nhấn mạnh, xe máy vẫn là “cần câu cơm” của phần đông người dân nên cần phải thực hiện việc kiểm tra, thu hồi một cách cẩn thận và công bằng. Hà Nội phải thực hiện trợ giá cho người bị thu hồi xe để có tiền mua xe mới, bởi lẽ với người dân nghèo, chiếc xe máy là tài sản giá trị lớn.
Việc Hà Nội và một số thành phố lớn thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải xe máy và thu hồi xe không đủ điều kiện cũng là một bất cập, lỗ hổng lớn. Theo đó, người dân có thể vì tiếc xe, vì không đủ điều kiện để mua xe mới thì sẽ “tuồn xe” về các tỉnh thành lân cận không thực hiện thí điểm. Câu hỏi lớn đặt ra nữa là nếu các phương tiện xe máy không đủ điều kiện khí thải ở các tỉnh thành di chuyển vào Hà Nội sẽ xử lý như thế nào, chế tài ra sao?. Nếu không làm cẩn thận sẽ khiến dư luận bức xúc.
Theo kế hoạch giai đoạn thí điểm (2024-2025) của Hà Nội:
+ Đối tượng: xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên và kiểm định 1 lần/năm. Có thể nghiên cứu phương án dán tem kiểm định khí thải để phân biệt.
+ Phạm vi kiểm soát: Trên địa bàn toàn thành phố; bắt đầu áp dụng phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.
+ Tổ chức tổng kết, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, báo cáo kết quả thực thi chính sách và bài học kinh nghiệm trong giai đoạn thí điểm.
Giai đoạn thực thi toàn phần (từ 2026):
+ Đối tượng phải kiểm định khí thải định kỳ: Có thể quy định cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên hoặc 3 năm sử dụng trở lên;
+ Nâng mức tiêu chuẩn khí thải cho xe đang lưu hành;
+ Phạm vi kiểm soát: Điều chỉnh phân vùng tiêu chuẩn khí thải; thực hiện chính sách hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe đang lưu hành tại các khu vực đã phân vùng; nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực khác nhau theo phân vùng bảo vệ.
+ Đối tượng: xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên và kiểm định 1 lần/năm. Có thể nghiên cứu phương án dán tem kiểm định khí thải để phân biệt.
+ Phạm vi kiểm soát: Trên địa bàn toàn thành phố; bắt đầu áp dụng phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.
+ Tổ chức tổng kết, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, báo cáo kết quả thực thi chính sách và bài học kinh nghiệm trong giai đoạn thí điểm.
Giai đoạn thực thi toàn phần (từ 2026):
+ Đối tượng phải kiểm định khí thải định kỳ: Có thể quy định cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên hoặc 3 năm sử dụng trở lên;
+ Nâng mức tiêu chuẩn khí thải cho xe đang lưu hành;
+ Phạm vi kiểm soát: Điều chỉnh phân vùng tiêu chuẩn khí thải; thực hiện chính sách hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe đang lưu hành tại các khu vực đã phân vùng; nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực khác nhau theo phân vùng bảo vệ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xe máy bốc cháy, người đàn ông đổ nước dập lửa:
(Nguồn: THĐT)