Giá lên cao chót vót
Đầu năm 2019, Hà Nội đã có đề xuất chuyển 4 huyện Thanhh Trì, Hoài Đức, Đông Anh và Gia Lâm lên quận vào năm 2020. Ngay lập tức, giá đất tại những khu vực này đã tăng cao chót vót, khiến không ít người nghi ngờ là do bị "thổi".
Thông tin với Kiến Thức, anh Tuấn - một nhân viên môi giới bất động sản - cho biết, ngày càng có nhiều người tìm kiếm thông tin về giá đất tại 4 huyện này. "Tuy vậy, giá đất giữa các huyện trên không phải như nhau mà cũng có sự chênh lệch khá lớn, thậm chí giá đất trong một huyện cũng chênh nhau rất nhiều giá. Bởi lẽ, giá đất phụ thuộc vào vị trí như mặt tiền hay trong ngõ hoặc có thông tin quy hoạch gì tại khu vực đó không?", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn dẫn giải, tại Đông Anh, giá đất chênh nhau khoảng 2-6 triệu đồng/m2. Vị trí đẹp có thể đội giá lên hơn nửa giá cũ. Nhìn tổng thể, hiện tại giá đất Đông Anh đã tăng khá cao so với hơn một năm trước, ở mặt phố tăng từ 50 – 70% giá trị, còn ở trong làng tăng khoảng 30%. Cụ thể, đất thổ cư gần đường lớn giá từ 50 – 70 triệu đồng/m2, trong làng có giá từ 20 – 30 triệu đồng/m2.
Tại một số khu đô thị, giá cũng lên cao chót vót, thậm chí "đội" gấp đôi. Trước đó, giá tại các khu vực này chỉ khoảng 20 triệu/m2, đến nay tăng lên gần 40 triệu mỗi m2.
Tại Gia Lâm, tình hình cũng tương tự. Giá đất Gia Lâm được môi giới chào bán dao động từ 20 - 25 triệu đồng mỗi m2, cao hơn năm trước khoảng 5 - 6 giá.
Khảo sát tại khu vực Trâu Quỳ, giá đất tăng khoảng 5-10 triệu đồng mỗi m2, lên mức 35 - 45 triệu đồng.
Tại Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì), giá dự án phân lô là 60 - 65 triệu/m2, tăng hơn năm trước khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2.
Giá đất Đông Anh đang ở mức cao. Ảnh: Báo Xây Dựng. |
Ngay khi có thông tin huyện Hoài Đức lên quận, giá đất ở đây cũng tăng nhanh chóng. Tại thị trấn Trạm Trôi và các xã An Khánh, An Thượng giá đất đang tăng khá mạnh, một số lô đất đẹp có giá trên 40 triệu đồng/m2, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng/m2, tăng gấp 2 – 3 lần so với trước.
Tuy nhiên, theo khảo sát, mức tăng này chỉ đối với những khu vực có vị trí đẹp, hạ tầng tốt. Còn lại, những khu vực khác cũng chỉ tăng nhẹ từ 2 - 3 triệu đồng/m2.
Đất "sốt" nhưng lại ít giao dịch
Theo môi giới tên Toàn (Thanh Trì, Hà Nội), sau khi có thông tin lên quận, giá đất tại 4 huyện nhanh chóng tăng. Tuy nhiên, dù được quảng cáo với những mỹ từ song hiện trên thị trường, các giao dịch mua bán thực chất lại rất ít. "Khách hàng mới chỉ dừng lại ở tham khảo giá chứ chưa "xuống tiền". Nguyên nhân chính là khách hàng đã thận trọng hơn xưa, đề phòng giá đất đang bị sốt "ảo" trước thông tin quy hoạch mới", anh Toàn nói.
Anh Toàn cũng thừa nhận rằng, thị trường mua bán đất tại các huyện này cũng không quá rầm rộ như nhiều người đồn đoán. Ngoài việc giá đất tăng và những quảng cáo hấp dẫn thì giao dịch không có nhiều đột biến. Việc mua bán hiện chủ yếu là các ô đất diện tích nhỏ, có pháp lý đầy đủ, người mua chủ yếu để sử dụng chứ không "lướt sóng" để kiếm lời.
Một lô đất được rao bán tại Trạm Trôi (Hoài Đức) giá 20 triệu đồng/m2. Ảnh batdongsan.com.vn. |
Anh Dũng, một cò đất tại Hoài Đức cũng nhận định rằng, các nhà đầu tư đất bây giờ cũng rất cẩn trọng với những khu vực có giá cao bất thường. Còn nhớ, trước đây, thông tin về việc di rời hàng loạt các trụ sở các bộ, ngành về phía Tây Hà Nội đã tạo nên cơn "sốt đất" rầm rộ. Nhiều người "dốc" vốn liếng vào đầu tư bất động sản khu vực này. Sau đó, khi thị trường đóng băng, hàng loạt nhà đầu tư đã phải "ngậm đắng nuốt cay".
"Do đó, khi có thông tin về việc 4 huyện lên quận, phần lớn khách hàng có tâm lý cẩn trọng, không quá nghe tin đồn mà "ôm" đất, nghe ngóng tình hình để xác định chính xác giá đất tăng thật hay sốt ảo trước khi quyết định đầu tư", anh Dũng nói.