Chiều (16/9), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp |
Đề nghị quy định rõ ai được ra đường
Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP cho biết, đến nay, Công an TP vẫn tiếp tục cấp giấy đi đường cho 354.453 cá nhân và 401.953 giấy đi chợ.
Về vấn đề triển khai văn bản ngày 15/9 của UBND TP cho phép mở một số cơ sở kinh doanh tại 19 quận, huyện, lãnh đạo Công an TP đề xuất, TP cho phép Công an TP tiếp tục cấp giấy đi đường theo các nhóm đã được phê duyệt.
Đặc biệt, đề nghị xác định rõ khu vực từng vùng để Công an TP căn cứ có cơ chế kiểm soát di chuyển. Đồng thời tiếp tục duy trì 67 chốt trực ra vào các cửa ngõ lớn của TP.
Công an TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xác định rõ diện đối tượng người, phương tiện được phép ra đường; cơ chế kiểm soát của từng vùng và liên vùng như thế nào cho hiệu quả.
"Với 67 chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ TP, đề nghị UBND TP cũng có chỉ đạo cụ thể để lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện cho hiệu quả. Cùng với đó, Công an TP tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch”, Đại tá Nguyễn Hồng Ky kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất việc Công an TP vẫn tiếp tục cấp giấy đi đường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để quản lý theo dữ liệu dân cư, hoàn thiện phần mềm quản lý công dân, kiểm soát hiệu quả hơn nữa.
“Với 67 chốt kiểm soát ra vào TP, mục tiêu đặt ra là vẫn phải quản lý chặt vì nếu chúng ta nới lỏng, nghĩa là không thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng nữa, mà không quản lý chặt các cửa ngõ, dịch bệnh rất dễ xâm nhập. Đề nghị Công an TP nhanh chóng có phương án cụ thể về việc triển khai sắp tới, báo cáo lãnh đạo TP xem xét”, Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, theo chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND TP, Hoàn Kiếm không nằm trong danh mục các quận huyện được nới lỏng do có ca mắc mới ngoài cộng đồng trong ngày 6/9.
Ông Long thông tin, quận đang chuẩn bị kỹ các công tác để có thể cho phép một số hoạt động kinh doanh trở lại và mong muốn thành phố sớm chỉ đạo thời gian áp dụng việc nới lỏng ở Hoàn Kiếm.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, vùng nguy cơ cao, rất cao thì khoanh lại. Vùng an toàn thì tạo điều kiện. Quận cần đánh giá tình hình dịch tễ cụ thể, báo cáo đề xuất UBND TP xem xét.
Cũng theo lãnh đạo TP, các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa… vẫn đang ở vùng đỏ, vùng cam nên 3 đơn vị cần có phương án, giải pháp cụ thể hơn, sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới để phục hồi.
Sau 21/9 nới lỏng theo từng bước
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến nay, thành phố đã xét nghiệm được 85% số người theo kế hoạch, việc tiêm vắc xin đạt 93,18%.
Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn rà duyệt lại, xây dựng ngay kế hoạch tiêm mũi 2 theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vắc xin. Có danh sách từng đối tượng với từng loại vắc xin để từ đó, thành phố phối hợp với Bộ Y tế nhằm đảm bảo nguồn cung vắc xin.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã họp bàn rất cụ thể, chỉ đạo rõ việc trong giai đoạn hiện nay và sau 21/9, thành phố sẽ có giải pháp tiếp tục khống chế dịch bệnh tốt, nới lỏng các hoạt động theo từng bước.
Thực tế, biểu đồ dịch bệnh của Thủ đô những ngày qua đang có số ca nhiễm mới giảm mạnh. TP đang tiến tới khống chế dịch bệnh hiệu quả.
“Hà Nội đã giãn cách lần thứ 4. Doanh nghiệp và người dân đều đã mệt mỏi và mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để phục hồi kinh doanh. Thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như thu ngân sách…
Từ đó, lãnh đạo TP đã có chủ trương sẽ kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, các tiểu ban để giảm đầu mối. Trong đó, đặc biệt, sẽ có tiểu ban mới về việc phục hồi sản xuất kinh doanh và tiểu ban này sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể nhất”, lãnh đạo TP nói.
Ngày 15/9, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản chỉ đạo nới lỏng ở 19 địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Tiếp thu các phản ánh từ cơ sở, thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa để thực hiện việc này.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp theo hướng, sẽ không triển khai chống dịch theo 3 vùng như hiện nay. Việc phong tỏa phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thời gian tới, TP sẽ không phong tỏa quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô nhỏ nhất ở các điểm phong tỏa để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện tối đa để người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Hôm nay Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND TP cần rà soát, có phương án cụ thể báo cáo vào đầu tuần tới để có phương pháp, giải pháp cụ thể cho giai đoạn sau ngày 21/9. Theo nguyên tắc phòng chống dịch đặt lên hàng đầu, từ đó tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch Hà Nội nói.