Hà Nội chìm trong sương mù "đặc quánh" như Sa Pa: Bình thường hay bất thường?
(Kiến Thức) - Những ngày qua, thời tiết Hà Nội luôn trong tình trạng sương mù đặc quánh từ sáng tới trưa khiến tầm nhìn bị hạn chế, nhiều người còn ví von Hà Nội với Sa Pa - thị trấn trong sương. Vậy hiện tượng này là bình thường hay bất thường?
Không cần quá nhiều kiến thức về thời tiết thì nhiều người cũng biết rằng, thời điểm tháng 1, tháng 2 âm lịch tiết trời miền Bắc nói chung thường xuất hiện tình trạng nồm ẩm, do độ ẩm trong không khí tăng cao. Kéo theo đó là tình trạng sương mù và sương mù dày đặc vào sáng sớm hoặc ban tối.
Những ngày qua, tiết trời tại Hà Nội là điển hình cho dạng thời tiết đặc trưng này khi liên tục xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc. Tình trạng sương mù dày đặc có những ngày kéo dài từ sáng đến trưa khiến người dân Thủ đô lo ngại rằng: Đây có phải hiện tượng thiên nhiên bình thường hay bất thường vì ô nhiễm?
|
Khu vực bệnh viện Huyết học Trung ương ghi nhận thời điểm 10h ngày 14/2. |
Sở dĩ, người dân hoang mang vì trong năm 2019, các trạm quan trắc độ ô nhiễm không khí được nhiều ứng dụng về môi trường đăng tải đánh giá Hà Nội là một trong những nơi bị ô nhiễm cao.
Cộng thêm việc trong năm 2019, hàng loạt sự cố về môi trường như cháy Công ty Rạng Đông làm phát tán thủy ngân ra môi trường, ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà... khiến người dân càng quan tâm hơn vấn đề môi trường. Nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (virus Corona) đang diễn biến phức tạp.
|
Chỉ số ô nhiễm không khí ở mức đỏ (nguy hại cho sức khỏe con người) được ứng dụng Air Visual đăng tải ngày 14/2, tại Hà Nội. |
Vì vậy, hiện tượng sương mù dày đặc kéo dài nhiều ngày qua càng khiến người dân thêm lo ngại.
Trao đổi với PV Kiến Thức về hiện tượng sương mù dày đặc tại Hà Nội nhiều ngày qua, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Tình trạng thời tiết như hiện tại không có điều gì bất thường, đây là hiện tượng tự nhiên năm nào cũng xảy ra ít hay nhiều mà thôi".
Còn ông Lưu Minh Hải - Chuyên gia khí tượng thủy văn (Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lào Cai) cho biết: "Đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông Nam, mang nhiều hơi ẩm từ biển vào đất liền nên đã gây ra hiện tượng trên. Thời tiết hiện nay của Hà Nội đang trong trạng thái trời nồm ẩm."
Ông Hải phân tích: "Các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500-1.500m, kết hợp với điều kiện lặng gió ở bề mặt, cộng thêm đang nằm trong không khí lạnh chính là điều kiện tổ hợp để xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc như hiện nay.
Với dạng sương mù bình lưu và các điều kiện thời tiết như hiện tại, tình trạng sương mù bình lưu này sẽ còn tồn tại thời gian cũng khá lâu".
|
Đứng dưới chân tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), PV không thể nhìn thấy phần trên của tòa nhà. (Ảnh được chụp trưa 13/2). |
Trả lời về vấn đề trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 2 dương lịch là tháng cuối cùng của 3 tháng chính Đông (tháng 12, tháng 1 và tháng 2) nên không khí lạnh còn hoạt động với tần suất khá nhiều.
Điều đáng lưu ý là: Trong cả hai tháng tới độ ẩm không khí ở các tỉnh thành thuộc Bắc Bộ (đặc biệt là vùng đồng bằng và ven biển) duy trì ở mức cao, có nhiều ngày xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù nhưng nền nhiệt ở hầu hết các nơi trên khu vực đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Dự báo, từ khoảng chiều 15/2, gió mùa đông bắc bắt đầu ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi Bắc Bộ, từ đêm 15/2 sẽ ảnh hưởng đến Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Đây là một đợt gió mùa đông bắc mạnh, sẽ gây mưa rào ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối đến đêm 15/2, sau đó mưa rào sẽ xảy ra nhiều nơi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trong ngày 16/2; đến ngày 17/2 mưa rào có khả năng mở rộng xuống các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định. Trong khoảng ngày 16/18/2 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, riêng các tỉnh Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa rét đậm, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời trở lạnh.
Như vậy, theo khuyến cáo của TTKTTV Quốc gia và các chuyên gia thì hiện tượng sương mù dày đặc tại Hà Nội nhiều ngày qua chỉ là hiện tượng thời tiết bình thường, người dân không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và đặc biệt thực hiện tốt công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp Covid-19 do virus Corana gây ra, người dân khi ra đường vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
>>> Xem thêm video: Hà Nội: Sương mù dày đặc, nCoV được "đà" hoành hành