Vừa qua, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử nhận được đơn phản ánh của ông N.Q.T thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) có rất nhiều công trình nhà ở được xây dựng kiên cố trên nền đất giao thầu, đất ruộng…nhưng không bị cưỡng chế xử phạt hay yêu cầu tháo dỡ?.
Theo đó, ông T cho biết, các sai phạm trong việc sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích tại khu vực cánh đồng sau Bể Dầu cạnh đường liên thôn mới mở rộng từ Thôn Thái Phù đi thôn Song Mai. Khu vực này là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64, tuy nhiên, khi mở rộng đường liên thôn thì rất nhiều người đã tiến hành san lấp ruộng lúa, xây dựng xưởng trên đất nông nghiệp và quây tôn; có những xưởng tôn cao đến hơn 3 mét.
Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở khu vực trước Bể Dầu (ảnh ông N.Q.T cung cấp) |
Đặc biệt, khu vực sau nhà máy chè Kim Anh với hàng loạt những hộ dân đã xây dựng trái phép nhà kiên cố như: Hộ ông Trần Văn Kết đã xây dựng 2 nhà (1 nhà xây dựng 2 tầng và 1 nhà 3 tầng); Hộ gia đình ông Trường xây dựng biệt thự nhà vườn 2 tầng và hoàn thành năm 2021. Hộ ông Hồ Văn Đức xây dựng nhà 3 tầng; hộ bà Hồ Thì Hạnh xây dựng nhà 2 tầng; hộ ông Dũng xây dựng nhà 3 tầng, hộ ông Sỹ xây dựng nhà 3 tầng…Bên cạnh đó, cũng theo ông T thì tại khu vực sau nhà máy chè Kim Anh còn có hộ ông Tùng xây dựng cả nhà xưởng rộng hàng trăm m2 trên đất nông nghiệp mà không bị chính quyền xử lý?.
Ngoài ra, cũng theo ông T, trên địa bàn xã Mai Đình không chỉ có các hộ xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp mà tại khu vực bãi bóng của thôn Thái Phù, phía sau Trường tiểu học Mai Đình B, rất nhiều công trình xây dựng quây lợp tôn, xây dựng tường gạch…thêm vào đó, còn có hộ ông Nguyễn Văn Chuẩn, Cán bộ tư pháp xã Mai Đình (anh trai ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình – PV) còn xây dựng nhà 3 tầng lấn chiếm cả mương nước thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con khiến cho tình hình càng thêm phức tạp.
Xây dựng lấn chiếm ở bãi bóng của thôn Thái Phù (ảnh ông N.Q.T cung cấp) |
Trước “dấu hiệu” vi phạm trật tự xây dựng tràn lan tại xã Mai Đình, ông T đã làm đơn tố cao Lãnh đạo UBND xã Mai Đình, Cán bộ trật tự xây dựng, địa chính lên các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn.
Ngày 25/5/2022, UBND huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) đã ra Quyết định số 5157/QĐ-UBND về việc thụ lý tố cáo và giao xác minh nội dung tố cao do ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện ký. Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn đã giao Thanh tra huyện tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý nội dung tố cáo được thụ lý.
Tuy nhiên, cũng ngay trong ngày 25/5/2022, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn lại ký luôn Thông báo số 1227/TB-UBND về việc không thụ lý giải quyết tố cáo với lý do “nội dụng tố cáo chung chung, không cụ thể, không đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh theo quy định của Luật tố cáo”.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ông Phạm Quang Ngọc cho biết, Nội dung tố cáo của công dân là chung chung, không cụ thể, không đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh theo quy định của Luật tố cáo. Tuy nhiên, UBND huyện cũng có Công văn chỉ đạo UBND xã Mai Đình kiểm tra, xác minh những thông tin mà công dân đã tố cáo và báo cáo kết quả lên UBND huyện Sóc Sơn trước ngày 25/6/2022.
Để làm rõ hơn về những nội dung thông tin trên, ngày 6/6/2022, Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội). Tại buổi làm việc này, ông Thắng thừa nhận trên địa bàn có xảy ra việc người dân xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp và lấn chiếm mương nước thủy lợi. “…Ví dụ như nhà ông Kết là nhà đấy không phải là nhà người ta lấn chiếm, đất đấy là trước thôn cấp cho nhà người ta, thôn cấp từ những năm nhà người ta không có nhà ở, đất ở, xong thôn tự cấp. Thế có nghĩa là, nếu nói đến thôn cấp là trái thẩm quyền, quy định nhưng mà nhà nước vẫn châm chước cho các trường hợp mà người ta không có nhà ở, đất ở…Nhà Tùng nó làm nhà lán. Tới đây bọn anh xử lý hết. Tới đây làm sân bóng cho thôn. Nhà ông Tùng lợp các tấm nọ kia để làm kinh doanh…”. Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Ngoài ra, hộ ông Dũng, hộ bà Hạnh, hộ ông Đức…theo ông Nguyễn Văn Thắng cho biết có nguồn gốc từ đất nông nghiệp và hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, nếu những hộ mà xây dựng trước ngày 1/7/2014 nếu phù hợp với quy hoạch thì làm thủ tục để chuyển mục đích sử dụng. Nếu không phù hợp với quy hoạch thì được tồn tại nhưng mà phải giữ nguyên hiện trạng, khi nào nhà nước thu hồi thì phải trả lại theo quy định.
Lãnh đạo UBND xã Mai Đình bị công dân tố cáo để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tràn lan trên địa bàn |
Nói về trường hợp ông Nguyễn Văn Chuẩn, cán bộ tư pháp xã Mai Đình lấn chiếm mương nước thủy lợi, ông Thắng cũng thừa nhận, việc nhà ông Chuẩn lấn ra phần mương thủy lợi là đúng. Việc lấn chiếm này, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã nắm bắt được vì trước đây cũng từng có công dân tố cáo. Đề cập tới hướng xử lý, ông Thắng cho rằng, sẽ báo cáo với UBND huyện Sóc Sơn và từng có lập hồ sơ xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý này không dứt điểm. “trước cách đây khoảng 7 - 8 năm là xã có lập hồ sơ để xử lý rồi đấy, thế nhưng mà nói thật với các chú, nhà người ta bị thu hồi đất ở, anh em cũng báo cáo huyện việc đó. Thì trường hợp này có lấn ra một vài m2 nói thế là đúng. Anh nghĩ là nó chạy ra chắc 2 - 3m2, nó chưa đến mức cưỡng chế. Bây giờ bảo bọn anh đồng ý thì không bao giờ có chuyện đó”. Ông Thắng nói.
Có thể thấy rằng, việc công dân tố cáo là có cơ sở, đề nghị Cơ quan chức năng của huyện Đông Anh và TP. Hà Nội cần vào cuộc xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm những hành vi xây dựng không đúng theo quy định nhằm tránh khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự của địa phương.
*(Tiêu đề đã được BTV thay đổi)