Nội dung cuốn sách của ông Tồn (trái) có những đoạn rất giống với luận án của nghiên cứu sinh do chính mình hướng dẫn. |
Chiều 17/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Nguyễn Văn Lợi khẳng định, trường hợp Nguyễn Đức Tồn đạo văn đã rõ ràng.
Cũng theo GS Lợi, theo Quyết định 174 Thủ tướng Chính phủ, ban hành năm 2008, trường hợp người được đã được công nhận PGS, GS, nhưng không trung thực sẽ bị miễn nhiệm chức danh PGS, GS. Việc miễn nhiệm tiến hành theo trình tự: Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) xem xét và hủy bỏ việc công nhận chức danh GS, PGS của đương sự. Sau đó cơ sở đào tạo (trường hợp này là Học viện KHXH VN) miễn nhiệm chức danh GS. PGS.
“Theo tinh thần và lời văn của quyết định trên, cần bãi nhiệm cả chức danh GS và Phó GS của Nguyễn Đức Tồn”- ông Lợi nêu quan điểm.
Nhiều trang chép nguyên xi từ học trò
Về nghi án đạo văn của GS. Nguyễn Đức Tồn gây xôn xao giới nghiên cứu những ngày qua, GS. Nguyễn Văn Lợi – nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thông tin, năm 2002, GS. Lợi là Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam). Năm 2006, ông là thư ký HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học. Ông cũng là người trực tiếp 2 lần tham gia xét duyệt hồ sơ của GS. Tồn.
Năm 2002, ông Nguyễn Đức Tồn nộp hồ sơ xin phong giáo sư ở Hội đồng (HĐ) cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học. HĐ đã phát hiện những điều bất minh, khuất tất trong hồ sơ của ứng viên này.
GS Lợi cho rằng, theo quy định của HĐ cấp Nhà nước, sách chuyên khảo - một tiêu chuẩn “cứng” minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học cho ứng viên - phải được xuất bản trước khi nộp hồ sơ cho HĐ.
Tuy nhiên, trong hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” như một tiêu chuẩn cứng để xét phong giáo sư, trên thực tế, chưa được xuất bản.
Cũng theo GS Lợi, trong sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) có nhiều đoạn sao chép từ bài báo: “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001.
Còn trong sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), có nhiều trang chép nguyên xi từ luận án Phó tiến sĩ: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của Nguyễn Thúy Khanh, bảo vệ cách đó 6 năm (năm 1996) tại cơ sở đào tạo Viện Ngôn ngữ học.
Trong cuốn sách trên của ứng viên Nguyễn Đức Tồn, cũng có hàng chục trang chép gần như nguyên vẹn từ luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ học, đã bảo vệ cách đó 7 năm: “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu, sinh viên K36 (1991-1995) Khoa Ngôn ngữ học, trường đại học KHXH&NV Hà Nội.
“Vì thế, HĐ cơ sở đã bỏ phiếu bác bỏ hồ sơ xin phong Giáo sư của ứng viên Nguyễn Đức Tồn”- GS Lợi cho biết.
Ai đạo văn của ai?
Cũng theo GS Lợi, năm 2006, ông Nguyễn Đức Tồn lần thứ 2 nộp hồ sơ xin phong giáo sư, nhưng ông Tồn nộp hồ sơ xin xét phong ở HĐ cơ sở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Một số cán bộ Viện Ngôn ngữ học đã có đơn gửi HĐ cơ sở tố cáo việc ông Tồn đạo văn.
Nhưng ở lần xét phong này tại HĐ cơ sở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, có ý kiến thẩm định cho rằng, không phải ông Tồn đạo văn của chị Khanh, mà trái lại, luận án của NCS Nguyễn Thúy Khanh do ông Tồn hướng dẫn, chép từ luận án phó tiến sĩ của ông Tồn mang từ Nga về.
Trước ý kiến này, chị Khanh đã trình bày bản giải trình, trong đó, chị Khanh khẳng định, luận án do chị tự viết, chính ông Tồn xin được cùng chị cộng tác viết chuyên khảo. Chị đồng ý, do muốn ủng hộ ông Tồn viết chuyên khảo để ông Tồn chuẩn bị xin phong giáo sư.
“Nhưng khi sách của ông Tồn xuất bản, chị Khanh kinh ngạc nhận thấy, sách chỉ đứng tên ông Tồn. Trong khi đó, nhiều trang luận án của chị bị sao chép nguyên xi trong sách ông Tồn. Như vậy, ông Tồn đã chiếm đoạt kết quả nghiên cứu của chị, nay bị phanh phui, quay lại vu cáo chị Khanh”- GS Lợi cho biết.
Năm 2006, Viện Ngôn ngữ học, Chi bộ Viện một lần nữa mất nhiều công sức thời gian, để giải quyết vụ tranh chấp giữa ông Nguyễn Đức Tồn và chị Nguyễn Thúy Khanh: ai đạo văn của ai?
Theo GS Lợi, ở HĐ Cơ sở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ứng viên Nguyễn Đức Tồn đủ số phiếu tán thành và hồ sơ được chuyển lên HĐ chuyên ngành Ngôn ngữ học. Tại HĐ chuyên ngành Ngôn ngữ học, các thành viên đã thảo luận kĩ về những chỗ nghi ngờ đạo văn trong hồ sơ ứng viên này. Sau đó, HĐ đã bỏ phiếu, kết quả ứng viên Nguyễn Đức Tồn không đủ số phiếu tán thành phong chức danh giáo sư.
GS Lợi thông tin, năm 2007 HĐ chức danh ngành Ngôn ngữ học nhiệm kì mới được thành lập. Một số thành viên HĐ nhiệm kì 2000-2007 không tham gia HĐ nhiệm kì mới, như GS. Nguyễn Quang Hồng (Chủ tịch HĐ), Nguyễn Văn Lợi (Thư kí HĐ). Năm 2009, ông Nguyễn Đức Tồn nộp hồ sơ lần thứ ba xin phong chức danh Giáo sư. Lần này hồ sơ của ứng viên này được thông qua.
Người trong cuộc nói gì?
TS Nguyễn Thúy Khanh (từng là nghiên cứu sinh do GS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn) cho rằng, nghi vấn Giáo sư Nguyễn Đức Tồn đạo văn nhất thiết phải giải quyết dưới góc độ khoa học, cần một Hội đồng khoa học xem xét, đối chứng và giải quyết dứt điểm.
Trên phương tiện thông tin đại chúng, TS Khanh nêu rõ quan điểm, đây là vấn đề đã được đặt ra và giải quyết cách đây mười năm, khi tôi chưa nghỉ hưu.
“Những vấn đề cần nói tôi đã nói rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch trước Viện Ngôn Ngữ Học và toàn bộ lãnh đạo Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (nay là Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội VN) từ năm 2007. Hiện tôi vẫn lưu văn bản”- Bà Khanh nói.
Cũng theo TS Khanh, đến nay vấn đề này lại được đặt ra: “Đúng hay sai, tên tuổi của tôi vẫn bị nêu lên. Đó là sự xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi và một số người khác, mặc dù chúng tôi chỉ là nạn nhân của những cuộc xung đột. Hơn nữa, vấn đề này cũng ảnh hưởng không ít đến hình ảnh của các nhà khoa học Việt Nam”- TS Khanh khẳng định.
TS Khanh cho rằng, đây là một vấn đề mang tính khoa học của những người làm công tác khoa học. Do đó, rất cần thiết có một Hội đồng khoa học xem xét, đối chứng cụ thể và giải quyết dứt điểm. Lúc đó, cần thiết, chúng tôi sẽ có mặt. Việc này cũng đã từng được thực hiện, tốn khá nhiều thời gian của mọi người, nhưng rất tiếc chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
GS Nguyễn Văn Lợi cho rằng, trước yêu cầu của TS Nguyễn Thúy Khanh đòi hỏi vụ việc phải được giải quyết rốt ráo, phân xử ở một HĐ công bằng, khoa học, với sự có mặt của chị- một bên mà quyền lợi (bản quyền tác giả) bị xâm phạm, danh dự bị thóa mạ, GS Lợi cho rằng, đó là yêu cầu hoàn toàn chính đáng.
Hơn 130 trang giống nhau
Cuốn sách đang nằm trong nghi án đạo văn là “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt – Trong sự so sánh với những dân tộc khác” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2002). Cuốn sách này được xuất bản khi ông Nguyễn Đức Tồn đang là Phó Giáo sư, Tiến sĩ.
Theo tố cáo của các chuyên gia Ngôn ngữ học, cuốn sách có 11 chương nhưng có đến 6 chương bị nghi đạo văn của một luận án và một luận văn của nghiên cứu sinh, sinh viên đã công bố trước đó.
Cụ thể, theo các chuyên gia ngôn ngữ học, luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của tác giả Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang thì có đến 82 trang giống với công trình nghiên cứu của ông Tồn. Đáng lưu ý, luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh được bảo vệ tại Viện ngôn ngữ học năm 1996, trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn được xuất bản 6 năm.
Lấy ví dụ, so sánh trang 83 trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn với trang 31 trong luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh về phương pháp thực nghiệm liên tưởng. Nội dung hai trang này có những điểm giống nhau kỳ lạ. Có những đoạn giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Cụ thể, theo các chuyên gia ngôn ngữ học, luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của tác giả Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang thì có đến 82 trang giống với công trình nghiên cứu của ông Tồn. Đáng lưu ý, luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh được bảo vệ tại Viện ngôn ngữ học năm 1996, trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn được xuất bản 6 năm.
Lấy ví dụ, so sánh trang 83 trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn với trang 31 trong luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh về phương pháp thực nghiệm liên tưởng. Nội dung hai trang này có những điểm giống nhau kỳ lạ. Có những đoạn giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trang có sự giống nhau kỳ lạ trong cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn với luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh đã được ra đời trước.