Không có nhiều bất ngờ được giới thiệu tại hội nghị thường niên dành cho lập trình viên của Google năm nay. Tuy nhiên, công ty nhắc nhở chúng ta nhớ rằng họ vẫn đủ sức “thổi bay” các đối thủ khác ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, mà cụ thể là máy học (machine learning).
Giao diện Google on Tap. |
Có lẽ, thông báo thú vị nhất tại Google I/O 2015 chính là Google on Tap, phiên bản tiến bộ hơn của Google Now, có thể dự báo bạn cần gì trước cả khi bạn đặt câu hỏi. Nó làm điều này bằng cách truy cập thông tin trên điện thoại, lôi ra các dữ liệu có liên quan đến nhau như địa điểm, định nghĩa, đánh giá… rồi hoàn thiện qua máy học.
Máy học có thể hiểu là thuật toán máy tính để học làm điều gì đó. Theo một bài giảng của Đại học Stanford (Mỹ), mục tiêu của nó là đưa ra các thuật toán có thể tự động học hỏi mà không cần đến sự can thiệp hay trợ giúp của con người”.
Dù chưa phải phiên bản hoàn thiện, Google on Tap vẫn đặc biệt gây ấn tượng. Google khẳng định bạn có thể nói chuyện với nó như với một người bạn. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy một trợ lý ảo cực kỳ ưu việt sắp sửa có mặt trên Android, phần lớn nhờ vào bộ phận trí tuệ nhân tạo và máy học của Google.
Microsoft là công ty tiên phong trong lĩnh vực này. Tính năng dịch giọng nói thời gian thực của Skype chứng minh công nghệ máy học có thể tiến xa đến mức nào. Trợ lý ảo Cortana cũng hiểu hơn về bạn và thói quen của bạn theo thời gian.
Apple Siri dù ngày một thông minh và nhanh nhạy hơn song nó không xử lý theo ngữ cảnh như Google on Tap, Google Now hay Cortana. Theo Van Baker, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gartner, Google đang đi trước tất cả mọi người, kể cả Microsoft. Ông đánh giá Apple ở phía sau rất xa.
Ví dụ gần nhất là công cụ tìm kiếm mạnh mẽ của Google. Nhờ vào máy học và các mẫu thông tin, có thể hiểu vì sao kết quả tìm kiếm trên Google lại chính xác và nhanh đến vậy. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi nói rằng hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới đang đi trước các đối thủ hàng dặm riêng về lĩnh vực máy học.
Apple không kinh doanh tìm kiếm và không cần thiết phải tham gia, vì vậy máy học không phải ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, máy học gần như xuất hiện trong mọi sản phẩm cốt lõi của Google như bản đồ, xe hơi tự lái, quảng cáo. Matthew Zeiler, Tổng Giám đốc Clarifi, startup về trí tuệ nhân tạo, người từng thực tập tại Google, thậm chí còn cho rằng Google không phải hãng tìm kiếm mà là công ty máy học. “Mọi thứ trong công ty đều do máy học dẫn dắt”.
Google đang áp dụng concept đó cho ứng dụng Photos mới, sử dụng máy học để giúp tìm kiếm album ảnh dễ như tìm kiếm các website.
Tại Google I/O 2015, Phó Chủ tịch sản phẩm Sundar Pichai khẳng định: “Lý do chúng tôi làm được tất cả những điều này là vì công sức đầu tư bỏ vào máy học. Máy học giúp chúng tôi trả lời câu hỏi: “Một con ếch lá trông như thế nào” từ hàng triệu hình ảnh trên thế giới”.