Lý do vắng mặt nực cười
Sau 4 ngày ngồi trong phiên tòa sơ thẩm xét xử với vai trò bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương (khoa Hồi sức - Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình), ngày 19/5, khi tòa nghỉ, luật sư Trần Hồng Phúc đã chia sẻ: Một phiên tòa với những nhân vật quan trọng trong vụ án vắng mặt. Trong quá trình xét xử, một số người đã có mặt nhưng sau đó "biến mất".
Vụ án này chạm đến chuyên môn sâu về ngành thận học và trang thiết bị y tế liên quan nhưng chuyên gia về thận học, về hệ thống lọc nước RO dùng trong lọc thận nhân tạo đều không được bộ chủ quản, sở chủ ngành, hội đồng chuyên môn... mời đến phiên tòa để giúp làm sáng tỏ vụ án.
Khi chúng tôi đề đạt, chuyên gia đã được chấp nhận chiều hôm trước, nhưng hôm sau lại không được đồng ý.
Lý do vắng mặt của những đương sự chủ chốt phải chịu trách nhiệm trong vụ án này và có đơn xin xét xử vắng mặt khó chấp nhận... Chiều 18.5, sau sự vắng mặt của ông Đinh Tiến Công (Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình), chúng tôi buộc phải làm đơn đề nghị sao chụp toàn bộ các đơn xin xét xử vắng mặt để phục vụ cho tuần làm việc thứ hai của phiên tòa. Các đơn này cũng đã được hội đồng xét xử công khai thông báo mỗi khi người bào chữa gọi tên.
Luật sư Trần Hồng Phúc tại phiên tòa sơ thẩm tại Hòa Bình. |
Luật sư Trần Hồng Phúc bức xúc chỉ ra lý do những nhân vật vắng mặt: Ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình ủy quyền cho luật sư Đỗ Quốc Quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa kể từ khi ký giấy ủy quyền ngày 9.5.2018 đến khi kết thúc vụ việc. Phạm vi ủy quyền được nêu rõ: Người ủy quyền (ông Dương) chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc do người được ủy quyền (ông Quyền) thực hiện.
Nhưng sau một ngày có mặt tại phiên tòa, ông Quyền đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa với lý do là do bất cẩn bị ngộ độc thức ăn gây bất tiện trong sinh hoạt cá nhân, không thể đến phiên tòa từ ngày 17.5.2018.
Bản thân ông Quyền đã cố gắng điều trị nhưng sức khỏe không đảm bảo để làm việc, “xin phép vắng mặt, không đại diện cho ông Trương Quý Dương tại phiên tòa được".
Ông Trần Văn Thắng (trưởng phòng Vật tư – Thiết bị, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) sức khỏe không đảm bảo để dự tòa, nên xin vắng mặt, giữ nguyên sự việc như đã trình bày.
Ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có lý do: “Nay tôi bị ốm, sức khỏe không được tốt, nên tôi không thể tiếp tục tham gia phiên tòa được”, đề nghị được vắng mặt tại các buổi xét xử từ 17.5.2018".
Giấy triệu tập ông Khiếu đến phiên tòa nhưng được vợ ký nhận thay, bên cạnh có xác nhận của hàng xóm: “Chứng kiến sự việc ông Khiếu ốm đang truyền dịch”.
Ông Đinh Tiến Công (Trưởng khoa hồi sức tích cực): “Trong quá trình tòa án giải quyết, tôi đã trả lời nội dung liên quan về thủ tục hành chính của khoa có liên quan đến vụ án. Hiện nay do sức khỏe, tinh thần không tốt nên tôi không thể tiếp tục tham gia vụ án được”. Ông Công tiếp tục đề nghị vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc của tòa án.
Cũng theo luật sư Phúc, chúng tôi chỉ là người bào chữa, nhưng trách nhiệm bảo vệ công lý phải đặt lên hàng đầu – đó là thứ nghĩa vụ đầu tiên của tất cả những người hành nghề luật.
Những câu hỏi đặt ra
Luật sư Lê Văn Thiệp - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương - cũng lên tiếng sau 4 ngày xét xử sơ thẩm: Trong cơ quan tổ chức, các quyết định hành chính phải bằng văn bản và do người có thẩm quyền ký ban hành theo đúng trình tự, thủ tục mới phát sinh hiệu lực. Pháp luật không chấp nhận Quyết định hành chính được ban hành bằng lời nói.
Quyết định không giao nhiệm vụ cho khoa Hồi sức tích cực, không giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo, không giao nhiệm vụ cho BS Hoàng Công Lương thì quy tội thiếu trách nhiệm cho BS Hoàng Công Lương trên căn cứ nào?
Một câu hỏi đặt ra, việc ra y lệnh trong giờ làm việc, tại nơi làm việc là trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức, theo quy chế bệnh viện và nội quy của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nếu không ra y lệnh, bệnh nhân có vấn đề gì thì khi đó BS Hoàng Công Lương có phải chịu trách nhiệm hay không?
Việc ký đề xuất khi thiết bị y tế hỏng là hành vi có trách nhiệm, đúng pháp luật. Nếu hỏng mà không đề xuất mới là thiếu trách nhiệm, còn đề xuất là đúng chức trách, nhiệm vụ của bác sĩ điều trị. Tại sao lại viện cớ ký đề xuất là phải chịu trách nhiệm? BS Lương và khoa Hồi sức tích cực có nhìn thấy bản hợp đồng biết sửa cái gì?...