Mối quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng trở nên căng thẳng trong những ngày qua khi các quan chức hai bên liên tục khẩu chiến và đe dọa lẫn nhau, khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chiến tranh Mỹ-Iran có nguy cơ bùng nổ.
Ngày 22/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra cảnh báo "đanh thép" đối với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. "Mỹ nên biết rằng cuộc chiến tranh với Iran sẽ là mẹ của mọi cuộc chiến khác", hãng IRNA dẫn lời Tổng thống Rouhani tuyên bố.
Đáp trả ngay sau đó, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump tuyên bố: "Đừng bao giờ đe dọa Mỹ nữa. Nếu đe dọa Mỹ thêm một lần nữa, các ông (Iran) sẽ phải hứng chịu hậu quả tồi tệ chưa từng có".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP. |
Tiếp sau đó là những màn "khẩu chiến" của các quan chức hai nước, đặc biệt là những phát ngôn cứng rắn từ phía Iran.
"Nếu Mỹ gây chiến, chúng tôi sẽ kết liễu cuộc chiến đó. Các ông nên biết rằng cuộc chiến tranh đó sẽ phá hủy tất cả những gì các ông đã có. Vì vậy, các ông nên cẩn thận trước khi coi thường người dân và Tổng thống của chúng tôi”, hãng tin Al-Alam dẫn lời Thiếu tướng Qassem Soleimani thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 26/7.
Có thể thấy, căng thẳng giữa Mỹ và Iran gần đây bắt nguồn từ sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) của Tổng thống Trump hồi tháng 5/2018, bởi ông chủ Nhà Trắng cho rằng JCPOA là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng có" và tuyên bố sẽ tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran.
Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ảnh: Reuters. |
Khi đó, giới chuyên gia cũng đã tỏ ra lo ngại quyết định này của Tổng thống Trump có thể làm thổi bùng xung đột tại khu vực Trung Đông-Vùng Vịnh và thậm chí dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ ba.
BBC dẫn lời Rita Parsi, Chủ tịch Hội đồng quốc gia người Mỹ gốc Iran, bình luận: “Tổng thống Trump đang biến giải pháp ngoại giao thành khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng rất có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự”.
Cũng theo giới quan sát, sau khi rút khỏi thỏa thuận JCPOA chính quyền Tổng thống Trump chưa đạt được tiến triển nào trong việc phát triển chính sách mới.
"Không có mục tiêu và thời gian cụ thể. (Mỹ) chỉ hy vọng rằng việc gây áp lực lớn sẽ đẩy người dân Iran đến bờ vực sụp đổ kinh tế và lúc đó, họ sẽ phải 'đầu hàng'. Đó là một suy nghĩ viển vông, bởi vì nền kinh tế Iran tuy chưa phát triển mạnh mẽ nhưng không có chuyện sụp đổ", Ali Vaez, Giám đốc dự án về Iran tại Viện nghiên cứu International Crisis Group, nhận định.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Iran khẳng định sẽ tiếp tục thử tên lửa nếu cần thiết năm 2017 (Nguồn: VTC14)
Mới đây, theo ABC ngày 27/7, Mỹ có thể sẽ sớm tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng hiện tại giữa hai nước.
ABC dẫn lời một số quan chức cấp cao của Australia cho biết, Mỹ đã chuẩn bị để dội bom vào các căn cứ hạt nhân của Iran và cuộc tấn công có thể xảy ra ngay trong tháng 8/2018. Tuy nhiên, Sputnik dẫn lời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, ông không có lý do gì để tin rằng Mỹ đang chuẩn bị cho chiến dịch này.
“Khi không có bằng chứng rõ ràng về việc Iran đang phát triển bom hạt nhân, một cuộc tấn công của Mỹ sẽ có nguy cơ làm tan vỡ sự đồng thuận quốc tế, khiến các thanh sát viên gặp khó khăn hơn trong việc tìm hiểu và ngăn chặn nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân của Tehran”, Colin Kahl, chuyên gia đến từ Đại học Georgetown, phát biểu.