Ngày 28/6, trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, các chiến lược gia kinh tế của hầu hết các ngân hàng lớn Phố Wall đều bày tỏ lạc quan về khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng chiến thương mại và nối lại các cuộc đàm phán.
Theo chuyên gia của Ngân hàng Barclays, việc cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn nối lại đàm phán mang lại nhiều cơ hội hơn cho một thỏa thuận ngừng chiến, theo đó lãnh đạo hai nước sẽ đồng ý tạm dừng leo thang thuế quan và/hoặc hàng rào phi thuế quan trong khi các cuộc đàm phán cấp cao diễn ra.
(Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Các chuyên gia của City Bank và Bank of America nhận định một thỏa thuận ngừng chiến mà hai bên sẽ đạt được có thể bao gồm cam kết không tiếp tục làm leo thang căng thẳng liên quan đến đầu tư, công nghệ và thương mại.
Tuy nhiên, vấn đề chính về cơ cấu kinh tế sẽ chưa được giải quyết và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các mức thuế quan hiện nay.
Với xu hướng tăng trưởng kinh tế cùng với sức mạnh của thị trường chứng khoán với chỉ số S&P 500 ở mức cao nhất mọi thời đại, Mỹ sẽ không phải chịu bất kỳ sức ép nào để buộc phải đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
Trong khi đó, theo chuyên gia của Ngân hàng Evercore, Cowen hay Morgan Stanley, Mỹ sẽ tạm thời trì hoãn việc áp thuế quan mới đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc trong một thời gian ngắn hoặc có thể một thời gian dài, nhưng sẽ không chờ đợi đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc mà hướng tới các các cuộc đàm phán mới nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc chiến thương mại hiện nay.
Mỹ và Trung Quốc vẫn đang rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém, gây áp lực cho các thị trường và làm tổn hại nền kinh tế thế giới sau khi các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp giải quyết mâu thuẫn đổ vỡ hồi tháng khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc.
Từ đó tới nay, các hoạt động trao đổi giữa hai bên diễn ra hạn chế. Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, cũng như đe dọa sẽ áp thuế lên tới 300 tỷ USD với số hàng hóa nhập khẩu còn lại, trừ phi hai bên đạt được thỏa thuận. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế 60 tỷ USD với hàng hóa Mỹ.
Trước khi tham dự G20, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nói rằng ông trông đợi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 để thảo luận về bất đồng thương mại giữa hai nước.
Mời độc giả xem thêm video: Nguy cơ từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: VTV1)