Chiều 23/2, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có buổi gặp gỡ báo chí để giải thích về chủ trương cúng dường, công đức qua ví điện tử vừa được áp dụng trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
- Những ngày gần đây, việc một số chùa tổ chức cúng dường online qua hình thức ví điện tử khiến không ít phật tử nghi ngại liệu hình thức này có đúng hay lại một chiêu thức lừa đảo thời công nghệ 4.0, Thượng toạ có ý kiến gì về việc này?
Khi dịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản hướng dẫn cho các tăng ni phật tử, cơ sở tự viện đảm bảo tinh thần chống dịch tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh trong lễ hội Xuân trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt. Giáo hội đã thực hiện lễ cầu an online và thực tế nhiều chùa đã làm rất tốt, thực hiện nhiều buổi tụng kinh cầu an online.
Thượng toạ Thích Đức Thiện chia sẻ với báo chí chiều 23/2. |
Những ngày gần Rằm tháng Giêng, nhiều chùa có chương trình cầu an. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua mạng xã hội của mình đã mở một cổng đăng ký cầu an online và đã tiếp nhận được đăng ký của đông đảo mọi người. Việc tiếp nhận này được gửi tới một số chùa.
Giáo hội cũng cho rằng việc cầu an là nhu cầu thiết yếu, ai cũng mong muốn. Cùng với lễ cầu an, mọi người thường thành tâm phát tâm công đức. Đây là sự tự nguyện, Giáo hội không yêu cầu.
Để tránh tập trung đông người, Giáo hội có dùng ví điện tử để tạo điều kiện cho phật tử được thỏa mãn việc công đức, Giáo hội đã thử nghiệm tại một số chùa. Đến nay, đã 12 chùa áp dụng việc cúng dường online.
Việc triển khai cúng dường online diễn ra gấp, sát Tết Nguyên đán nên có thể một số chùa vẫn chưa nắm được tinh thần nên chưa phổ biến tới phật tử, khiến phật tử đắn đo. Chính vì lẽ thế, vài chùa cảnh báo phật tử của mình rằng cẩn thận lừa đảo cũng không thể trách họ.
- Thời đại công nghệ sẽ không tránh khỏi các trang giả mạo các chùa để nhận tiền cúng dường trục lợi, làm thế nào để chặn việc này thưa Thượng toạ?
Thông qua ứng dụng chính là cách thức chặn giả mạo, nó phải qua trung gian. Đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ xác nhận và là bộ lọc giả mạo. Giáo hội nếu triển khai sẽ ký kết với đơn vị cung cấp ứng dụng đó.
Chúng tôi sẽ có văn bản thông báo cho các Ban trị sự và thống nhất chọn ví Momo và mở tài khoản ở ngân hàng nào đó. Có một tài khoản đúng của chùa và chặn các tài khoản khác. Thành thử việc giả mạo sẽ khó xảy ra.
Chùa Phật Tích là một trong 12 ngôi chùa đã thực hiện việc cúng dường qua hình thức online từ sát Tết Nguyên đán Tân Sửu. |
- Đây là hình thức mới mẻ đối với các cơ sở thờ tự, khi triển khai đã có gì vướng mắc chưa thưa Thượng toạ?
Giáo hội rất muốn nghe ý kiến nhiều chiều khi thực hiện cái mới để có có cái nhìn tổng quát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, nếu chúng ta không mới mẻ không tiến bộ được. Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói cuộc di dân từ thế giới thực vào thế giới ảo là vĩ đại nhất. Trước kia, chúng ta coi những thứ trên Facebook là ảo bây giờ mọi người thấy đó, nó có ảo không?...
Thử nghiệm tức là đối diện với cái không là truyền thống, chưa làm bao giờ. Trước mắt dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên Giáo hội sẽ thử nghiệm trong 3 tháng lễ hội của Xuân Tân Sửu. Sau đó, Giáo hội sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm phát sinh, hệ quả, hậu quả vướng mắc,... từ đó có quyết định triển khai tiếp hay không?....
Về phía chủ quan của tôi khi triển khai ứng dụng này, lợi ích là để tránh tập trung đông người, đồng thời làm rõ ràng, minh bạch tiền công đức và tiến tới xóa bỏ việc đặt tiền lẻ trên tay tượng mà báo chí đã phản ánh nhiều.