Trong tuần qua, VN-Index giảm tổng cộng 73,13 điểm với 4 phiên giảm điểm, đáng chú ý nhất là ở phiên thứ Ba (6/7), chỉ số mất hơn 56 điểm khi thị trường xuất hiện hiện tượng bán tháo mạnh trong phiên ATC.
Trong giai đoạn giá xuống, nhóm cổ phiếu bán lẻ lại đi ngược thị trường chung khi thiết lập các đỉnh giá mới, nhờ hưởng lợi ngắn hạn từ nhu cầu mua sắm tăng đột biến.
Kết phiên 9/7, MWG là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 giữ được sắc xanh, tăng 2,32% lên 176.500 đồng/cp, có thời điểm cổ phiếu này lên mốc 179.900 đồng/cp. Tính rộng ra MWG đã tăng giá gần 13% trong tuần vừa qua và tăng hơn 48% kể từ đầu năm.
Với mức đỉnh này, giá trị vốn hóa thị trường của MWG đạt hơn 83.900 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài và công ty riêng Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ sở hữu tổng cộng 14% vốn, tương đương với giá trị khoảng 11.200 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích công bố ngày 6/7, Chứng khoán SSI cho rằng chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động có thể được hưởng lợi khi chính sách giãn cách để phòng dịch COVID-19 phải kéo dài. Nhiều chợ đầu mối, chợ tự phát tại TP Hồ Chí Minh đóng cửa sẽ giúp Bách hóa Xanh tăng doanh thu.
Ngoài ra, nhu cầu các sản phẩm công nghệ trong thời kỳ phong tỏa và giãn cách tăng cao do nhu cầu học tập, giải trí và làm việc từ nhà khá lớn. Vì thế mà các cửa hàng điện tử, điện máy như Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, FPT Shop có những lợi thế nhất định.
Chuỗi BHX ghi nhận doanh thu hơn 10.600 tỷ đồng cho 5 tháng đầu năm 2021, tăng 36% so với cùng kỳ. Doanh thu BHX lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Nhờ (i) doanh thu tăng đột biến trong tháng 5 và (ii) các giải pháp nâng cao năng suất lao động được triển khai trên diện rộng, BHX đang tiệm cận mức hòa vốn EBITDA ở cấp độ công ty.
Các nhóm cổ phiếu bán lẻ hưởng lợi trong đợt dịch này. |
Ngoài ra, cổ phiếu MSN của Masan Group cũng vừa lập đỉnh 119.800 đồng/cp vào ngày 8/7, trước khi điều chỉnh trong phiên cuối tuần về 116.900 đồng/cp. Tính chung một tuần, MSN tăng giá gần 3% và tăng 32% kể từ đầu năm.
Hiện giá trị vốn hóa của Masan Group ghi nhận hơn 138.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ gián tiếp hơn 179 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan), tương đương với giá trị sở hữu hơn 20.900 tỷ đồng.
Masan là tập đoàn hoạt động đa ngành nhưng cũng là một ông lớn trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng nhờ sở hữu hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng bách hóa VinMart+ và công ty con là Masan Consumer Holdings (MCH).
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán HSC cho biết chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ của Masan được hưởng lợi khi các quy định về giãn cách xã hội tại TP HCM và các tỉnh thành khác khiến nhiều hộ gia đình gia tăng tích trữ hàng hóa.
Trong năm 2021, lãnh đạo Masan Group kỳ vọng VinCommerce sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh nhờ giảm bớt các cửa hàng kém hiệu quả và tái cấu trúc chi phí vận hành.
Tập đoàn còn muốn tăng mục tiêu tổng biên lợi nhuận thương mại của VinCommerce lên 30% so với mức hơn 20% ở hiện tại nhờ việc thương lượng các điều khoản với nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ các ki-ốt Phúc Long và xây dựng danh mục nhãn hàng riêng.
Một số cổ phiếu bán lẻ khác cũng diễn biến khả quan như DGW của Công ty cổ phần Thế Giới Số, FRT của FPT Retail hay HTM của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội,…