Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, nhiều người về già có lương hưu

Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm nhận lương hưu sẽ khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định.

Xung quanh việc Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu, tại báo cáo thẩm tra dự thảo mới nhất, Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, đang có hai loại ý kiến.
Ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn, cải thiện tính công bằng, đặc biệt với lao động có thu nhập thấp và không thường xuyên.
Giam thoi gian dong BHXH xuong 15 nam, nhieu nguoi ve gia co luong huu
Giảm thời gian đóng BHXH tạo cơ hội cho nhiều người lao động về già có lương hưu (Ảnh: Lê Anh Dũng) 
Ý kiến thứ hai, đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.
Thực tế việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm, thực chất mức hưởng 15 năm đối với nam chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%, chưa đảm bảo công bằng, chia sẻ trong hệ thống bảo hiểm xã hội…
Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và cũng là ý kiến của một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự án Luật.
Việc này cũng tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần có thể tham gia hoặc quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.
Giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, đồng thời tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.
Việc giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống.
Cho dù trong trường hợp đóng BHXH tối thiểu chỉ hưởng mức lương hưu khiêm tốn so với những người có thời gian đóng dài và đầy đủ, nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, được đóng BHYT, được hưởng chế độ tử tuất khi mất, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Quốc hội đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu ra sao khi sửa đổi luật lần này.
Đặc biệt cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách, xã thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả.
Thậm chí phải đánh giá cụ thể liệu việc giảm thời gian đóng BHXH liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần “rút bảo hiểm một lần” không.

Lý do người lao động xếp hàng rút BHXH 1 lần

Người lao động xếp hàng rút BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống, và có tâm lý lo ngại chính sách về BHXH sẽ thay đổi...

Những ngày gần đây, tại một số cơ quan BHXH ở một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM có tình trạng người dân đến xếp hàng từ sáng để lấy số thứ tự làm hồ sơ nhận BHXH một lần.

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc đóng BHXH để có lương hưu là tích lũy cả đời, vì thế người đóng thời gian dài sẽ có lương hưu cao. Ngược lại, người tham gia muộn, đóng BHXH ngắn, tiền đóng ít thì lương hưu sẽ thấp.

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Bộ LĐ-TB&XH gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất bổ sung vào luật để tính lương hưu khi giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay.

Người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với tuổi chung.

Trường hợp đã hưởng BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.

Sau khi giảm số năm đóng BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH khi đóng đủ 15 năm với nữ, và 20 năm đối với nam; sau đó, mỗi năm đóng được cộng thêm 2%, lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đóng.

Dong bao hiem xa hoi 15 nam duoc huong luong huu the nao?

Rút ngắn thời gian hưởng lương hưu, mức hưởng của người lao động sẽ thấp. Ảnh: Thanh Tùng.

Nếu đề xuất trên được thông qua, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng. Trường hợp người lao động được đóng BHXH chỉ bằng mức lương tối thiểu, trong 15 năm đóng vừa qua, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ 3,8 triệu đồng/tháng, nếu về hưu sẽ được mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.

Với nam, nếu tới tuổi nghỉ hưu khi mới tham gia BHXH 15 năm, mỗi năm đóng sẽ được tính bằng 2,25% (do chưa đủ 20 năm đóng để được tính 45% lương), lương hưu được tính bằng 33,75% tiền lương tháng tính đóng BHXH. Nếu cùng mức lương tháng tính đóng BHXH là 3,8 triệu đồng/tháng như nữ, cùng đóng 15 năm, nam về nghỉ hưu sẽ nhận mức lương chưa tới 1,3 triệu đồng/tháng.

Không ít người hưởng lương hưu ở mức rất thấp

Nếu đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được thông qua có thể khuyến khích người lao động đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Ước tính mỗi năm sẽ tăng từ 10-40 nghìn lao động có lương hưu.

Liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với VietNamNet, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, về nguyên tắc, đóng BHXH để có lương hưu là tích lũy cả đời, người đóng BHXH thời gian dài sẽ có lương hưu cao. Ngược lại một số người tham gia thị trường lao động muộn, đóng BHXH ngắn, tiền đóng ít nên lương hưu thấp.

Ông Huân cũng cho rằng, phương án lương hưu cho người tham gia BHXH dưới 20 năm trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang mang tính cơ học, kiểu tính lùi so với luật hiện hành.

Giải pháp này sẽ dẫn tới tương lai có không ít người hưởng lương hưu ở mức rất thấp.

Ở góc độ chuyên gia, ông Huân đề xuất, luật có thể nghiên cứu đưa ra phương án cho người lao động chọn, nếu thời gian đóng BHXH ít, có thể nhận lương hưu mức cao nhưng thời gian hưởng ngắn, hoặc hưởng lương hưu thấp nhưng được nhận tới lúc chết.

Ông Huân cũng băn khoăn về đề xuất mức hưởng lương hưu của nam và nữ khác nhau, để được nhận mức lương hưu bằng 45% mức đóng, nữ chỉ cần đóng BHXH 15 năm, nhưng nam phải mất 20 năm, dù cơ sở đóng như nhau. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo cho người lao động hài hoà về mức đóng và mức hưởng.

Đọc nhiều nhất

Giá vàng hôm nay 22/01: Tăng “bốc đầu“?

Giá vàng hôm nay 22/01: Tăng “bốc đầu“?

Giá vàng hôm nay 22/01 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá vàng SJC, giá vàng 9999, giá vàng DOJI, giá vàng PNJ, giá vàng 24k, giá vàng 18k ra sao… sẽ được Tri thức và Cuộc sống cập nhật liên tục.

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.