Công an thi hành lệnh bắt giữ Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Hồ Hữu Tài. |
Được biết, theo điều 24 Nghị định 139, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm và ký giấy chứng nhận kiểm định. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, Cục Đăng kiểm VN chỉ quản lý những lãnh đạo (Giám đốc, các Phó Giám đốc) là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận ATKT & BVMT tại các trung tâm đăng kiểm. Những lãnh đạo khác không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và không ký giấy chứng nhận ATKT & BVMT, Cục Đăng kiểm VN không có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý.
Thực tế, việc giám đốc trung tâm đăng kiểm tư nhân (xã hội hoá) không phải đăng kiểm viên, không có chuyên môn về đăng kiểm không hiếm bởi đa phần họ là chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó Giám đốc phụ trách mới đăng kiểm viên và là người chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận ATKT & BVMT phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định.
Theo kết quả điều tra của Công an huyện Nhà Bè, lý do mà ông Tài được lên làm giám đốc là để khấu trừ nợ mà ông Tài cho Chủ tịch HĐQT Công ty lập ra Trung tâm Đăng kiểm 50-17D mượn.
Cụ thể, ông Phong là Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, thành lập Trung tâm đăng kiểm 50-17D từ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động bị đình trệ, dẫn đến nợ nần. Từ đó ông Phong mượn tiền của ông Tài.
Ông Tài làm kinh doanh cá nhân, kiêm san lấp mặt bằng. Để trả nợ cho ông Tài, ông Phong đưa ông Tài lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm để trả nợ dần.
Khi bị bắt giữ, ông Tài không biết viết, không biết đọc và khai chỉ học tới lớp 3. Cũng theo ông Tài, mọi hoạt động của trung tâm đều giao lại hết cho cấp dưới, việc ký giấy xác nhận đăng kiểm cũng do Phó giám đốc phụ trách.
Theo cơ quan điều tra, ông Phong và ông Tài có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ, kéo doanh thu về cho công ty.
Liên quan đến những sai phạm của các trung tâm đăng kiểm ở TP HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Đăng kiểm VN nhìn nhận những hành vi này không những làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông vận tải mà còn hình thành tâm lý coi thường, xem nhẹ pháp luật, các quy định về bảo đảm ATGT, coi thường sức khoẻ, tính mạng của người tham gia giao thông.
Từ đó, đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tích cực phối hợp với cơ quan kiểm soát pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời kịp thời thông tin về Cục ĐKVN để phối hợp giải quyết.
Cùng đó, giao Phòng Kiểm định xe cơ giới tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới để kịp thời ngăn chặn, chủ động phát hiện sớm và có biện pháp quyết liệt chấn chỉnh, tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hiện tượng vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực; chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện nghiêm quy trình, quy định.
Số trung tâm đăng kiểm tăng lên sau khi Nghị định 139/2018 bỏ quy định đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm. Hiện nay, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở Giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
(Nguồn: VTV1)