Xa rồi thời hoàng kim
Với người dân Sài Gòn, phòng trà từng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Giới nghệ sĩ thường ví phòng trà là “thánh đường” nâng bước chân của họ vào nghệ thuật, còn với người dân thành phố, phòng trà là nơi thưởng lãm âm nhạc như một thú tao nhã. Nhiều nghệ sĩ lớn đã trưởng thành, nổi tiếng từ những phòng trà như danh ca một thời Thái Thanh, Khánh Ly, Giao Linh, Chế Linh, Phương Dung, Hoạ Mi...
15 năm trước đây, phòng trà ở TPHCM mọc lên như nấm, có cả trăm địa điểm sáng đèn hàng đêm, dập dìu tài tử giai nhân. Những phòng trà này có thể xem là nơi để nghệ sĩ với khán giả đến gần nhau hơn. Muốn nghe nhạc xưa đến 2B của bà chủ, nữ ca sĩ Mỹ Hạnh; thưởng thức nhạc trẻ đến MTV, Đồng Dao, muốn nghe nhạc tiền chiến đến phòng trà Tiếng Xưa, ATB của ca sĩ Ánh Tuyết… Những địa điểm này cũng đã làm nên nhiều tên tuổi về sau này như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên, Quang Dũng…
Phòng trà Nguyễn Ánh cũng không còn đông như thời trước. |
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương chia sẻ, thời mới vào TPHCM, phòng trà chính là điểm diễn mà cô mơ ước và phải đi gõ cửa từng nơi. “Chính những tụ điểm này đã nuôi sống và chắp cánh cho ước mơ và giúp tôi trở thành ngôi sao của làng nhạc sau này”- Quỳnh Hương bộc bạch.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, kinh doanh phòng trà đã không còn là lĩnh vực “hái ra tiền” như trước. MTV, một phòng trà nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn do nhạc sĩ Trần Vi Mỹ và nam ca sĩ lắm chiêu Đàm Vĩnh Hưng đứng ra thầu lại, sau đó mời rất nhiều ca sĩ nổi tiếng về biểu diễn. Lúc đầu ăn nên làm ra nhưng sau đó rơi vào cảnh ế ẩm chợ chiều do không đảm bảo được doanh thu. Mới đây, MTV phải đóng cửa trong sự bất ngờ của những khách nghe nhạc quen thuộc.
Sân khấu 126, nơi nâng đỡ hàng trăm ca sĩ từ vô danh trở nên nổi tiếng đã phải chia tay khán giả sau bao năm gắn bó. Tụ điểm ca nhạc Lan Anh đình đám một thời cũng vừa chấm dứt hoạt động để không rơi vào khủng hoảng. Ngay cả sân khấu V.show (phòng trà Nam Quang cũ) qua nhiều lần thay tên đổi chủ, nay do nghệ sĩ Vân Sơn đầu tư cũng phải xoay xở đủ đường từ tấu hài, làm show ca nhạc cho tới kinh doanh cà phê, quán ăn. Dù danh hài đã đổ khá nhiều tiền vào tu sửa, nâng cấp và tạo ra nhiều chương trình để mang đến diện mạo và không khí mới cho phòng trà này nhưng cũng không đủ sức hút kéo khách đến.
“Sự bùng nổ của internet cộng với cuộc tiến công của game show truyền hình thực tế vào làng giải trí đã thừa thỏa mãn nhu cầu nghe lẫn tiếp cận nghệ sĩ của công chúng. Giờ đây, phòng trà trở thành một thú vui khá xa xỉ so với túi tiền của người dân, khi mà họ có nhiều lựa chọn kinh tế hơn”- nghệ sĩ hài Vân Sơn chia sẻ và theo anh khán giả bây giờ mở ti vi ra là có thể thấy được ngôi sao mình yêu thích.
Một thời ken cứng người của phòng trà 126 ở quận 3 nay chỉ là dĩ vãng, nơi này vừa đóng cửa. |
Bỏ thì thương vương thì tội
Nhạc sĩ Trần Vi Mỹ cho biết: “Kinh doanh phòng trà bây giờ rất khó, khán giả bị bội thực bởi các chương trình truyền hình thực tế, họ được nhìn thấy thần tượng của mình dễ dàng hơn. Trong khi đó chi phí vận hành cho một phòng trà lớn, nếu không làm mới thì khán giả không đến, mà đầu tư nhiều thì thu chẳng bù chi”.
Phòng trà We, địa chỉ quen thuộc của người yêu nhạc Sài Gòn cũng luôn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. Anh Võ Trọng Nam, chủ nhân cũ của phòng trà này từng chia sẻ để có thể kéo dài hoạt động, anh đã bán đi 2 căn nhà, nhưng tình hình hiện tại vẫn không khá hơn, vẫn không ít những đêm ế khách đến mức phải hủy show. Nhiều phòng trà lớn khác cũng không ngoại lệ.
“Có đêm, nghệ sĩ đến trang điểm, thay trang phục chuẩn bị biểu diễn thì lại… tẩy trang, ra về vì khách lác đác vài người”- một ông chủ phòng trà ở quận 3 rầu rĩ. Người này nói, nếu như thời điểm huy hoàng, chuyện quan trọng nhất của phòng trà là làm sao mời được những gương mặt hot, mới mẻ, tìm được nhiều ca khúc hay thì giờ đây, làm sao để bù lỗ, để duy trì hoạt động mới là chuyện sống còn của phòng trà.
Để cầm cự, không muốn bỏ cuộc nhiều điểm diễn phải xoay xở thêm bằng cách cho thuê tổ chức hội nghị, tiệc tùng, mục đích để có thêm thu nhập. Nhiều nơi từng là điểm diễn sang trọng đã lên mùi mốc meo, bị bỏ phế.
Trong một buổi họp báo ra mắt MV của một nữ ca sĩ trẻ tại TPHCM, người tham dự chịu không nổi mùi mốc bốc ra từ góc phòng một phòng trà lộng lẫy một thời. Nhạc sĩ Lê Quang thừa nhận làm phòng trà bây giờ rất khó khăn.
“Thời trước Việt kiều về nước rất nhiều, một người sẵn sàng mời cả 10 người đến phòng trà để thưởng thức âm nhạc. Hay những khán giả tỉnh có thể chạy xe đến Sài Gòn để được xem và tận mắt nhìn thấy thần tượng. Giờ đây kinh tế khó, sự phát triển của công nghệ, của chương trình truyền hình dâng đến tận miệng cho người xem với đủ các mâm cỗ, thì hà cớ gì khán giả phải tốn kém và vất vả ngược xuôi để xem, thay vì chỉ ngồi nhà nhấn nút ti vi”- nhạc sĩ này chua chát.
Quang Vĩnh, quản lý một phòng trà ở quận 1, cho biết, để duy trì sự tồn tại của phòng trà, nhiều tụ điểm phải xuất chiêu với rất nhiều “món” như: mời nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ đang hot nhất, những nghệ sĩ lắm chiêu trò tạo độ hot cho chương trình, kèm thêm tấu hài, xiếc, ảo thuật, thậm chí mời những hot girl có nhiều scandal đến để thoả mãn nhu cầu cho khách. Thế nhưng, việc này cũng chỉ cứu vãn một phần nhỏ cho phòng trà, vì làm nhiều rồi cũng gây nhàm chán.
Có lẽ, ổn định nhất trong số các phòng trà đang còn hoạt động là Không Tên. Nhưng sự thành công của phòng trà này chỉ vì gắn với tên tuổi của ca sĩ Lệ Quyên, giọng ca chính cũng là chủ nhân của phòng trà. Từ khi sở hữu Không Tên, Lệ Quyên gần như hạn chế tối đa xuất hiện ở những phòng trà hay sân khấu khác tại TPHCM. Và với lợi thế sân nhà, có tuần cô hát vài đêm là bình thường và đó là lý do giúp doanh thu phòng trà ổn định.
Nhiều ca sĩ tổ chức những live show mini tại các phòng trà ở TPHCM cho biết một đêm diễn mà thu hút chừng 50 khách là đã quá thành công, vì đa phần khán giả bây giờ rất lười ra khỏi nhà để đến phòng trà nghe nhạc như một thói quen xưa.