Giai thoại lạ về chuyện ra đời
Đặng Ma La người xã Tụy Động (Tốt Động), huyện Mỹ Lương (nay là xóm Phúc Hòa, tức xóm Và, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Thân thế của ông khá mờ ảo; theo truyền tụng tại địa phương, mẹ ông người họ Đặng, vì nhà nghèo phải sinh sống bằng nghề mò cua bắt ốc, bà là người thông minh, có biết đôi chút chữ nghĩa.
Người ta kể rằng, cô gái họ Đặng cứ mỗi lần ra ruộng, thò vào hang bắt cua, lại vừa cười vừa nói:
- Vương là vua, thò tay vào hang bắt cua, rút ra chữ đắc là được!
Ở cánh đồng làng có một gò đất gọi là gò La, dân làng đồn nhau rằng ở đó có ma, người ta thường thấy có ánh sáng phát ra từ đấy, lại nghe thấy cả tiếng người đọc sách, bình thơ nữa. Cô gái họ Đặng cũng tin chuyện này, tuy có sợ nhưng vì phải kiếm sống nên đành đánh bạo, thường ngày cô dậy từ cuối canh ba khi gà gáy sớm để ra đồng. Cứ tới đầu xóm, nhìn cách đó một quãng là thấy từ gò La có ánh đèn và tiếng người, nếu cô động chân xuống nước hoặc ho một tiếng thì ánh đèn và tiếng người biến mất.
Một hôm vào sáng sớm, cô gái đi gánh nước, đến giếng làng thì thấy có phiến đá trắng trên in dấu chân người lõm xuống. Thấy lạ, cô gái ướm thử bàn chân mình vào thì thấy vừa như in, lại thấy có luồng hơi ấm truyền từ bàn chân lên đến bụng. Lúc về làng, cô gái kể lại chuyện lạ đó cho mọi người nghe, ai cũng cho rằng đó là điềm lành, chắc trời sẽ giáng người tài xuống giúp nước.
Kể từ đó, cô gái thấy trong người khang khác, bụng cô ngày một lớn lên và cũng từ đó, người làng đi ra đồng sớm đều không thấy có ánh đèn và tiếng người đọc sách, bình văn đâu nữa. Người ta đồn rằng ma gò La đã đi thác sinh rồi, cũng vì thế mọi người cho rằng cô gái họ Đặng mang thai người tài và chuyện “không chồng mà chửa” của cô không bị phạt vạ mà ngược lại, cô được dân làng chăm sóc, cưu mang, đùm bọc thân tình.
Sau “chín tháng mười ngày” cô gái hạ sinh một cậu con trai, dung nhan tuấn tú, diện mạo khác thường. Đến năm cậu bé được 3 tuổi, các cụ trong làng họp bàn và đặt tên cho cậu theo họ mẹ là Đặng, tên là Ma La với ý ma gò La đầu thai vào nhà họ Đặng.
Một tư liệu khác là cuốn Đặng tộc đại tông phả, do Đặng Tiến Thự soạn năm Qúy Hợi (1683), cho biết: Đặng Ma La sinh năm Giáp Ngọ (1234), cha là Đặng Nghiêm, làm quan nhà Lý, mẹ là Lý Thị Tiêu, thuộc hoàng thất nhà Lý. Nhà Trần sau khi áp chế, lấn quyền rồi cướp ngôi đã bắt tôn thất nhà Lý phải đổi họ, mẹ Đặng Ma La chạy về lánh nạn tại làng Khúc Thuỷ, huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) và đổi thành họ Đặng. Đặng Ma La có 2 người anh là Đặng Tảo (còn gọi là Đặng Tảo Sinh) và Đặng Diễn đều thi đỗ Thái học sinh và làm quan triều Trần.
Hăng say học tập. (Hình minh họa – Nguồn: vi.pngtree.com). |
Thần đồng tự học
Truyền rằng, năm Đặng Ma La lên 4 tuổi đã biểu lộ trí thông minh, sớm hiểu biết, cậu đòi mẹ phải cho đi học nhưng vì gia cảnh khó khăn nên lúc 6 tuổi cậu mới được đưa đến nhà thầy đồ học chữ. Có giai thoại kể, thầy đồ muốn thử tài của Đặng Ma La liền ra vế đối cho cậu đối thử. Vế của thầy đồ là:
- Làm thằng chí, làm thằng chuột, làm thằng bạch đinh, khốn khổ lầm than cùng khắp đất.
Đặng Ma La ứng khẩu đối lại luôn:
- Đỗ ông cống, đỗ ông nghè, đỗ ông Hoàng giáp, giàu sang phú quý lệch nghiêng trời.
Thấm thoắt mấy năm, hết thầy này đến thầy khác đều nói rằng đã “hết chữ” để dạy Đặng Ma La nên từ đó cậu phải tự học.
Để có thêm kiến thức, Đặng Ma La xin tiền mẹ để đi mua sách. Một hôm trên đường đi, cậu gặp một cụ già râu tóc bạc phơ đang gánh sách rao bán. Thấy cụ già, Đặng Ma La lễ phép chào và hỏi mua sách, vì không có nhiều tiền, cậu phân vân lựa chọn sách để mua nhưng cụ già vui vẻ đưa cả cho, trong những cuốn sách đó có cả kinh Phật. Sung sướng khi có sách hay, Đặng Ma La mải mê giở sách để xem, chưa kịp trả tiền thì ngẩng lên đã không thấy cụ già đâu nữa.
Nhờ những cuốn sách có được, Đặng Ma La chăm chỉ học hành ôn luyện, nhờ đó vượt qua cả hai kỳ thi Hương, thi Hội. Đến kỳ thi Đình, trên đường về kinh ứng thí, đang lo vì chưa hiểu hết nghĩa một số chữ trong cuốn kinh Phật thì cậu tình cờ gặp một nhà sư già, nhìn hao hao giống cụ già bán sách ngày nào, nhà sư đã giảng giải, cắt nghĩa giúp cho Đặng Ma La thông hiểu nhưng điều mà mình còn đang chưa rõ. Và kỳ lạ thay, lúc vào thi Đình, trong đề thi có những chữ trong kinh Phật mà cậu đã được nhà sư chỉ bảo, nhờ đó mà bài làm của Đặng Ma La được chấm điểm cao, đỗ thứ ba trong bảng Tam khôi, đoạt học vị Thám hoa.
Khoa thi của những bậc đại khoa trẻ tuổi
Đặng Ma La đỗ Thám hoa khoa thi Thái học sinh năm Đinh Mùi (1247) đời vua Trần Thái Tông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về khoa thi này như sau: “Đinh Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 16 [1247], (Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: “Đinh Mùi, năm thứ 16 (1247). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 7). Tháng 2, mùa xuân. Thi Thái học sinh.
Trước đây, thi lấy học trò đỗ, chỉ chia ra hạng giáp, hạng ất để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Nay mới đặt ra tam khôi, lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa. Còn 48 người đỗ Thái học sinh đều được xuất thân theo thứ tự trên dưới khác nhau”.
Khoa thi này, những người đỗ đầu tuổi còn rất trẻ, Trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Đây là bảng Tam khôi trẻ nhất trong lịch sử; viết về điều này nhà bác học thời Lê Trung hưng là Lê Qúy Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục có đoạn chép: “Khoa này Nguyễn Hiền 13 tuổi, người huyện Thượng Nguyên đỗ Trạng nguyên; Lê Văn Hưu 18 tuổi, người huyện Đông Sơn đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La 14 tuổi, người Mỹ Lương đỗ Thám hoa. Đó cũng là sự lạ”.
Ứng đối mau lẹ, được vua ban khen
Lúc các vị tân khoa vào cung yết kiến, vua Trần Thái Tông thấy Trạng nguyên và Thám hoa còn quá nhỏ, mà thông thái hơn người, bèn hỏi: học ở đâu, với thầy nào, do đâu ít tuổi mà đỗ cao?
Trạng nguyên Nguyễn Hiền tâu:
- Thần “sinh nhi tri chi” (sinh ra đã biết hết).
Vua Trần thấy Trạng nói năng tự nhiên, chưa hiểu phép tắc, lễ nghĩa, lại có ý tỏ ra kiêu căng nên chưa thể bổ nhiệm chức quan trong triều được bèn truyền cho Trạng về nhà học hành thêm trong 3 năm.
Còn Đặng Ma La thì trả lời rằng:
- Thần đỗ cao là do “Đắc ư sư truyền” (nhờ thầy truyền dạy).
Nhà vua nghe trả lời rất hài lòng, đánh giá Đặng Ma La là người có đức, có tài bèn khen ngợi rồi hạ chiếu tổ chức lễ vinh quy cho Thám hoa.
Nhà thờ Thám hoa Đặng Ma La tại xóm Và, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ- Hà Nội. (Hình minh họa – Nguồn: dangtoc). |
Đôi nét về sự nghiệp làm quan
Sau khi đỗ đạt, Đặng Ma La ra làm quan, được thăng đến chức Thẩm hình viện rồi được phong lên Nhập thị nội các Tu soạn Kinh Diên, về sau được phong tiếp làm Thị giảng Vũ Hiển đại học sĩ cáo thụ Vinh Lộc đại phu. Sau đó ông lại được bổ nhiệm làm tướng võ và được cử về lập doanh trại, tuyển binh, luyện võ tại vùng Chúc Sơn (nay thuộc huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), lập được công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất năm Mậu Ngọ (1258).
Năm Nhâm Thân (1272), Đặng Ma La được triều đình cử về trấn giữ đất Kinh Dương thuộc lộ Hải Đông (nay thuộc Kinh Dương – Hàng Kênh của TP Hải Phòng) để luyện quân. Đến năm Ất Dậu (1285) đúng vào thời điểm quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 2 thì Đặng Ma La lâm bệnh mất vào ngày mồng 2 tháng Chạp năm đó.
Hiện còn lăng mộ và đền thờ ông còn được lưu giữ, bảo vệ chu đáo tại Đình Đông (Hàng Kênh, TP Hải Phòng), còn tại Khúc Thủy gần Tốt Động, (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) hiện vẫn còn đền thờ và lăng mộ thân mẫu ông là bà Từ Chi Lý Thị Tiêu.
Về đời tư, theo Đặng tộc đại tông phả, Đặng Ma La lấy người vợ họ Lê, sinh được con trai là Đặng Hữu Điểm, làm quan tới chức Đại phu được cử đi sứ nhà Nguyên vào đời vua Trần Nhân Tông.