Trung Quốc
Tết Âm lịch là ngày lễ lớn nhất trong năm ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên... Tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, là dịp các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp sau một năm làm việc, học tập vất vả.
Tết Âm lịch của người Trung Quốc diễn ra trong 15 ngày và mỗi ngày đều mang một ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, 3 ngày đầu tiên của năm mới được đánh giá là quan trọng nhất.
Ảnh: CNN. |
Cụ thể, vào ngày mùng một Tết, bắt đầu ngay sau Giao thừa, là ngày đón các vị thần. Vào ngày này, nhiều người đặc biệt là những người theo đạo Phật kiêng ăn thịt và tránh sát sinh. Một số người dân Trung Quốc kiêng đốt lửa và sử dụng dao vào ngày đầu năm mới vì họ cho rằng nếu dùng chúng thì sẽ dông cả năm. Do vậy, họ chuẩn bị, nấu nướng những món ăn cho ngày mùng một từ hôm trước. Ngày mùng một Tết cũng là ngày để con cháu trong nhà bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.
Sang đến ngày mùng hai Tết, những người phụ nữ đã lập gia đình sẽ về chúc Tết bố mẹ đẻ, người thân và bạn bè. Đến ngày mùng 3 Tết, người Trung Quốc sẽ tổ chức hóa vàng, đi chùa để cầu mong bình an, hạnh phúc sẽ đến với bản thân và các thành viên trong gia đình.
Vào dịp Tết Nguyên đán, người Trung Quốc trang trí nhà cửa với những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, đốt pháo. Trước ngày Tết, người dân dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để "xả xui", xua đi những điều rủi, không may mắn để đón chờ những may mắn sẽ đến trong năm mới.
Đặc biệt, mỗi năm trong lịch âm lịch của Trung Quốc tương ứng với một con vật. Do vậy, họ sẽ tránh ăn thịt con vật đó vào những ngày đầu năm mới.
Hàn Quốc
Tết Âm lịch ở Hàn Quốc hay còn gọi là Seollal cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm. Người dân xứ sở kim chi quan niệm Tết Âm lịch là ngày xua đuổi các linh hồn ác quỷ, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành.
Ảnh: CNN. |
Vào đêm giao thừa, người Hàn Quốc có truyền thống đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người dân cũng quan niệm đêm Giao thừa không ai ngủ vì nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Người Hàn Quốc ăn món canh bánh gạo (tteokguk) - món canh không thể thiếu trong dịp Tết nhằm mang đến những điều may mắn trong tương lai. Trong Tết Âm lịch, nhiều hoạt động, chương trình giải trí, trò chơi dân gian cũng được tổ chức vô cùng náo nhiệt.
Mông Cổ
Người Mông Cổ đón Tết Âm lịch hay còn gọi là Tsagaan Sar hoặc Tết Tháng Trắng trong không khí vui tươi. Đây là một trong 2 dịp lễ lớn nhất trong năm cùng với ết Naadam diễn ra vào tháng 7.
Ảnh: UNESCO. |
Trước đêm Giao thừa, người Mông Cổ có truyền thống rửa sạch chén bát với sữa ngựa để đón chào năm mới "sạch sẽ". Vào lúc Giao thừa, người Mông Cổ sẽ uống trà đầu năm. Theo truyền thống, họ sẽ pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà và vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 sẽ mời chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình. Trong suốt 3 ngày tết, người Mông Cổ mặc trang phục truyền thống.