Học vấn tốt, thơ phú tài, làm quan giỏi
Ở hồi 16, trong đoạn đầu tiên miêu tả về Tống Giang, Thi Nại Am viết: “Tống Giang làm áp ty ở huyện Vận Thành, văn án tinh thông, sành nghề nhai lại”. Đấy là thời điểm Tống Giang vẫn đương làm quan, dù chỉ là một chức nhỏ, chưa dấn thân vào giang hồ.
Học vấn và năng lực thơ phú của Tống Giang vượt xa người thường. |
Đến hồi cuối cùng 120, tác gia họ Thi lại viết về chuyện Tống Giang làm quan ở Sở Châu sau khi nhận sắc phong triều đình hậu trận chiến Phương Lạp thế này: “Lại nói Tống Công Minh được bổ về Sở Châu làm an phủ sứ kiêm tổng quản binh mã. Từ khi nhậm chức, Tống Giang một lòng yêu thương quân dân, được trăm họ kính trọng như cha mẹ, quân sĩ ngưỡng mộ như bậc thần minh. Án kiện xét xử nghiêm minh, các việc trong châu phủ đều đặt người trông nom đầy đủ, lòng người đều khâm phục tôn kính”.
Làm một vị quan tốt trong thời bình đã khó. Làm một vị quan công chính liêm minh, được quân dân yêu mến kính trọng, trong bối cảnh triều đình cuối đời Bắc Tống hủ bại, vua chỉ mải mê ăn chơi, gian thần lộng hành, lòng dân ai oán, còn khó hơn gấp bội. Nhưng Tống Giang làm được. Và để làm được, thì phải là người có Tài, có Tâm và có Tầm.
Rặt trong tác phẩm Thủy Hử, những người chưa biết tiếng họ Tống, chưa có cơ hội giao tế với “Cập thời vũ” thường luôn ra điều khinh thường cái chức quan bé xíu của chàng ta ở Vận Thành. Đến ngay cả một Quan Thắng, ngày ngày đọc sánh Thánh Hiến, từ nhỏ đã thuộc làu Kinh thư cũng từng tỏ vẻ coi nhẹ Tống Giang với câu: “Tống Giang chỉ là anh tiểu lại quèn…”.
Đại đa số các hảo hán tứ xứ khi theo về với Tống Giang, thì chỉ biết cái Nhân – Nghĩa, cái tính cách coi tiền tài nhẹ như lông hồng của chàng mà không nhận chân được một biệt tài khác ở họ Tống. Đó chính là năng lực thơ phú hơn người. Đọc thủy Hử, chỉ biết Ngô Dụng văn hay chữ tốt mà không biết một Tống Giang còn diệu tuyệt hơn thế, thì đúng là chưa đọc sâu vậy.
Tống Giang có hai tác phẩm để đời trong Thủy Hử. |
Trong Thủy Hử, tác gia họ Thi để Tống Giang hai lần “tức cảnh sinh tình” mà sáng tác thơ. Và đó đều là những áng thơ diệu tuyệt, lời lẽ sâu sắc, chí khí ngất trời. Lần đầu tiên, chính là bài thơ ở lầu Tầm Dương.
Bài thơ ở lầu Tầm Dương
Tâm trạng của Tống Giang lúc ấy ra sao? “Bấy giờ Tống Giang trong bụng nghĩ rằng: Ta sinh ở đất Sơn Đông lớn lên ở đất Vận Thành, kết thân biết bao giang hồ hảo hán… Song hiện nay sự nghiệp vốn chẳng ăn thua, lại còn bị tội đày ải đến đây, khiến cho ta bao giờ về được cố hương mà trông thấy phụ huynh tôn tộc! Nghĩ đến đó thì lòng nặng nỗi tha hương, xúc cảnh hứng hoài, bất giác trông ngắm giang hồ mà tầm tã đôi hàng lụy nhỏ”.
Thế nên: “Chàng liền nghĩ một bài tức cảnh "Tây giang nguyệt" rồi gọi tửu bảo mượn bút nghiên để viết. Chợt đâu đứng lên nom hai bên vách phấn, thấy có nhiều văn thơ của người xưa đề vịnh, chàng liền nghĩ thầm trong bụng rằng: "Tiện đây bất nhược ta viết ngay lên vách phấn, để làm di tích ở đất Giang Châu. Sau này dù có hiển vinh qua đến đất này, trông thấy mấy câu ở trên vách phấn kia, cũng đủ nhắc lại cho ta biết cái cảnh huống ấy bây giờ”… Chàng nghĩ đoạn, liền nhân lúc tửu hứng, mài mực đặc, lấy bút đẵm, rồi viết lên vách phấn mấy câu:
Thủa nhỏ theo đòi kinh sử
Lớn lên thông thạo quyền mưu
Khác nào hổ mạnh nấp hang sâu
Kín nanh dấu vuốt ai biết đâu?
Chẳng may thời vận cơ cầu.
Bỗng dưng chạm mặt đầy Giang Châu
Một mai may báo được oán cừu
Máu nhuộm Tầm Dương sẽ biết nhau.
Tâm ở Giang Đông thân ở Ngô
Mấy phen than thở mấy giang hồ
Ngày sau như thỏa lòng non nước
Mới biết Hoàng Sào chửa trượng phu.
Cái hùng tâm tráng khí của họ Tống hiện lên trong từng câu từng chữ của bài “Tây Giang Nguyệt” này. Câu cuối bài có nhắc đến Hoàng Sào. Đây là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa (khởi nghĩa Hoàng Sào) diễn ra trong khoảng 874-884. Khởi nghĩa Hoàng Sào khiến nhà Đường suy yếu nghiêm trọng rồi sụp đổ trong vòng vài thập niên sau đó.
Hoàng Sào được mô tả là có tài kiếm thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, văn chương thạo, giỏi tranh luận. Hoàng Sào dùng tài sản của mình để chiêu mộ những con người bị dồn đến đường cùng, mà nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Đường. Ở trận chiến cuối cùng tại Duyện Châu, nghĩa quân Hoàng Sào đại bại. Theo Tân Đường thư, Hoàng Sào sau đó tự sát, chỉ thị cho cháu mình là Lâm Ngôn đem thủ cấp đầu hàng triều đình, mục đích là để cứu sống các binh sỹ.
Nhưng với Tống Giang, trong “Tây Giang Nguyệt” thì “Mới biết Hoàng Sào chửa trượng phu”. Tức bản thân Tống Giang tự xếp mình trên thủ lĩnh khởi nghĩa Hoàng Sào hơn 2 thế kỉ trước. Coi việc Hoàng Sào tự sát là không đáng mặt chân chính anh hùng vậy!
Bài từ tại nhà của Lý Sư Sư
Trong lần đầu hạ sơn tới kinh thành tính kế để được triều đình chiêu an, Tống Giang và một vài huynh đệ thân tín đã tiếp cận Lý Sư Sư – ca nữ mà Tống Huy Tông vô cùng sủng ái. Tại nhà của Lý Sư Sư, Tống Giang có viết một bài từ, mục đích là muốn nhờ nàng ta chuyển tới Hoàng đế.
“Tống Giang gọi lấy giấy bút, tự tay mài mực đặc, vuốt phẳng tờ giấy hoa tiên, chấm đẫm mực rồi nói với Lý Sư Sư: - Tiểu nhân có làm một bài từ gọi là "Bất tài loạn đạo" để bày tỏ nỗi u uất trong lòng. Nay xin chép ra để trình hoa khôi nương tử. Nói đoạn Tống Giang cầm bút một mạch viết xong bài từ nhạc phủ đưa cho Lý Sư Sư xem:
Trời Nam đất Bắc,
Hỏi càn khôn nào chốn dung cuồng khách?
Rời Sơn Đông miền thủy trại, đến tìm mua cảnh
Phương thành xuân sắc,
Quần hồng áo tía, tuyết trắng mây hồng,
Nhất tiểu thiên kim nào đã chắc?
Yểu điệu thần tiên, dù phận mỏng dễ nào quên được?
Bờ lau cát vàng, nước trong sam đỏ, bầu ngọc vầng trăng vắc.
Sáu sáu nhạn bay liền tám chín chỉ đợi gà vàng báo tin vui.
Lòng nghĩa che trời, dạ trung kín đất, bốn biển chưa ai hay biết.
Sáu ly muôn môi, lòng say một tối, nhận ra đầu đã bạc.
Điểm nhấn của bài từ này chính là “Sáu sáu nhạn bay liền tám chín, chỉ đợi gà vàng báo tin vui”. Lời từ ý tại ngôn ngoại, vừa diệu vừa thực không phải kẻ nào đọc cũng hiểu được. Bằng chứng là thông minh như Lý Sư Sư cũng chỉ hoài nghi khi lẩm nhẩm đọc chứ không cắt nghĩa ngay được.
Nhưng đây là bài từ gửi tới Tống Huy Tông, 1 trong những Hoàng đế có năng lực nghệ thuật xuất sắc nhất đời Tống, thì ý tứ ấy là rất vừa vặn vậy. “Sáu sáu” (6*6 là 36), Liền “tám chín” (8*9 là 72) chính là chỉ 108 hảo hán Lương Sơn. “Đợi gà vàng báo tin” chính là mong muốn Hoàng đề ra lệnh chiêu an nghĩa quân!
So với một Ngô Dụng rặt thấy sáng tác thơ nhằm phục vụ cho lớp lớp mưu hèn kế bẩn, hại người vào chỗ cùng đường mới thấy cái khí chất đệ nhất nhân của Tống Giang, quả thực vượt xa tất cả trong Thủy Hử vậy!