Thái Bạch Kim Tinh: vị cứu tinh bí ẩn
Quan Thế Âm Bồ Tát, vâng mệnh Như Lai Phật Tổ, tìm gặp và sắp xếp nhóm đi lấy kinh gồm 5 người, đương nhiên chính là vị cứu tinh quan trọng và thường xuyên nhất, mỗi khi thầy trò Đường Tăng – Tôn Ngộ Không gặp kiếp nạn không qua được. Nhưng đấy là vai trò, là nhiệm vụ của Quan Âm, để đảm bảo cho hành trình Tây Trúc thỉnh kinh không bị đứt đoạn, quan trọng hơn cả là bảo vệ tính mạng cho Đường Tam Tạng – kiếp thứ 10 của Kim Thiên Tử.
Thái Bạch Kim Tinh – đệ nhất cứu tinh của thày trò Đường Tăng, Ngộ Không. |
Dưới quyền Bồ Tát còn có Hộ Pháp, Già Lam, Lục Đinh, Yết Đế, Công Tào, tổng cộng 36 thần tiên, ngầm đi theo bảo hộ thầy trò Đường Tăng và sẽ có mặt ngay lập tức bất kì khi nào Tôn Ngộ Không cất tiếng gọi. Nhưng có một nhân vật, không thuộc quyền “sai khiến” của Phật Tổ hay Quan Âm, lại là vị thần bậc nhất của Đạo Giáo, song lại rất hay xuất hiện trợ giúp cho bộ ngũ thỉnh kinh, khi nhóm này gặp hạn lớn. Đấy chính là Thái Bạch Kim Tinh.
Tương tự Quan Âm Bồ Tát, Thái Bạch Kim Tinh có lẽ là nhân vật phụ được tác gia Ngô Thừa Ân cho xuất hiện ở nhiều chương hồi nhất trong danh tác Tây Du Ký. Thậm chí có thể nói Thái Bạch Kim Tinh đóng vai trò cực kì quan trọng đối với các tình tiết cùng những biến chuyển đặc biệt của câu chuyện. Ông là vị thần hiếm hoi trên Thiên Đình mà Tôn Ngộ Không kính trọng, nể phục, lại là người có ơn cứu mạng với cả Đường Tăng lẫn Bát Giới.
Thái Bạch Kim Tinh, theo truyền thuyết là vị thần có họ Lý, hình dáng là một ông già râu bạc áo trắng, là Tinh chủ của Sao Kim, ngôi sao sáng nhất vào chập tối và buổi sáng. Chính vì thấy Sao Kim xuất hiện đầu tiên của buổi đêm và ban ngày, nên Thái Bạch Kim Tinh được coi là sứ giả của Thiên đình, và gọi là Lý Trường Canh. Thái Bạch Kim Tinh sở hữu pháp lực và sức mạnh khôn lường nhưng ông luôn là vị Thần nhân hậu, ôn nhu, luôn chủ trương “dĩ hòa vi quý”.
Quan Âm Bồ Tát thường xuyên ra tay cứu khổ cứu nạn cho bộ ngũ thỉnh kinh nhưng đó là nhiệm vụ của bà. |
Nhiều lần ra ơn với Ngộ Không
Ai là người xin Ngọc Hoàng khoan xử tội Tề Thiên Đại Thánh sau khi “anh khỉ” tung hoành dưới Thủy Cung lấy luôn cả “Định hải thần châm” làm vũ khí, rồi xuống quấy phá Diêm Vương sửa cả sổ sinh tử? Chính là Thái Bạch Kim Tinh. Hồi 3 Tây Du Kí chép:
“Thái Bạch Kim Tinh quì tâu:- Thạch hầu là giống trời sanh, tu đã lâu năm thần thông biến hóa. Hạ thần thiết tưởng khó nổi thu hồi, chi bằng đòi về phong chức, lưu giữ tại thiên cung, nếu nó có hung hăng dễ bề trị tội. Xin Ngọc Hoàng lấy lượng khoan hồng, giáo dục vật linh dày công tu luyện. Ngọc Hoàng gật đầu khen phải, truyền cho Văn Khúc Tinh Quân tả chiếu, giao cho Thái Bạch Kim Tinh hạ giới chiêu an. Thái Bạch Kim Tinh lãnh mệnh thẳng đến động Thủy Liêm”.
Rồi tới khi Ngộ Không nhận ra chức “Bật Mã Ôn” thuộc loại tầm thường nhất Thiên Đình, bỏ về Thủy Liêm Động, tự xưng Tề Thiên Đại Thánh, Ngọc Hoàng biết chuyện phán: “Loài yêu nghiệt, cả gan dám xúc phạm thiên trào! Các thiên tướng mau xuống bắt nó đem về đây” thì vẫn Thái Bạch Kim Tinh lên tiếng ngăn cản: “Yêu hầu háo danh nói bướng, nó không biết chức nào lớn nhỏ. Nếu sai binh tướng đi bắt nhọc công, mà chưa chắc đã bắt được! Xin Ngọc Hoàng hạ chỉ chiêu an, phong chức ấy cho nó, tưởng cũng không tốn gì lương bỗng, mà cũng chẳng hại gì của thiên triều. Chẳng qua đó chỉ là một hư danh… Như vậy nó sẽ an lòng, khỏi còn phá phách” (trích hồi 4 Tây Du Ký).
Sau này khi Ngộ Không gia nhập nhóm đi Tây Trúc lấy kinh, nhiều phen gặp hạn, không ít lần người xuất tướng cứu giá lại chính là vị Thần bậc nhất Đạo giáo Thái Bạch Kim Tinh, chứ chẳng phải là nhóm “vệ sĩ” của Phật Tổ - Bồ Tát. Đơn cử như hồi 21, khi lão Tôn thất điên bát đảo vì Hoàng Phong quái thì chính Lý Trường Canh hóa thân thành ông già chỉ đường cho Ngộ Không tìm Kinh Kiết Bồ Tát đặng hàng yêu.
“Ông già ấy nói:- Ông Linh Kiết ở hướng Nam, cách ba ngàn dặm, có hòn núi tên Tiểu Tu Di. Trong núi có kiểng chùa, là chỗ Linh Kiết Bồ Tát ở… Ông già ấy chỉ hướng Nam mà nói rằng:- Cứ đi như nầy thì tới. Gạt Hành Giả ngó theo phía đó, ông già ấy hóa gió bay đi. Hành Giả ngó lại thấy bên đường có một miếng giấy đề bốn câu thơ rằng: Nói lại Tề Thiên đặng rõ tình/ Ông già ấy thiệt Lý Trường Canh/ Phật cho nhà gã Phi long trượng/ Linh Kiết đem truyền mấy phật binh”.
Tới hồi 76, vẫn Thái Bạch Kim Tinh trong hình hài một ông già chân quê, đã sớm cảnh báo cho Ngộ Không về kiếp nạn có thể nói là khó khăn nhất khi bộ ngũ thỉnh kinh chuẩn bị đối mặt với 3 con quái (voi trắng, sư tử xanh và đại bàng vàng) nhưng anh khỉ sau quá chủ quan và cao ngạo mà quên lời dặn của Thái Bạch Kim Tinh, suýt chút nữa khiến Đường Tăng bỏ mạng. Ba con quái này đều là Linh thú của Bồ Tát (Phổ Hiền, Văn Thù) và Như Lai Phật Tổ, và sau đó họ đã giúp Ngộ Không phu phục chúng.
Thái Bạch Kim Tinh chính là người năm lần bảy lượt can gián Ngọc Hoàng không xuất binh trị tội Đại Thánh. |
Ngoài ra, Ngộ Không còn được Thái Bạch Kim Tinh tương trợ vài lần khác như giúp thu phục Đại Bào Quái hay lần giới thiệu cho anh khỉ Tứ Mộc cầm tinh trong trận chiến với yêu quái Tề Ngưu. Như vậy có thể thấy dù Ngộ Không ban đầu gây ra vô vàn rắc rối cho Thái Bạch Kim Tinh, nhưng ông Thần họ Lý trước sau không để bụng, mà luôn ra tay cứu giúp anh khỉ, khi thì âm thầm lúc lại đường đường chính chính xuất hiện tương trợ.
Cả Đường Tăng và Bát Giới đều chịu ơn cứu mạng
Không chỉ Ngộ Không, ngay cả Đường Tăng và Thiên Bồng Nguyên Soái cũng chịu ơn sâu nghĩa nặng của Lý Trường Canh. Lần dở lại những ngày đầu tiên Tam Tạng lên đường thỉnh kinh, chính Thái Bạch Kim Tinh đã cứu ông 1 mạng. Hồi thứ 13 chép chuyện Đường Tăng bị 3 con yêu quái (Gấu ngựa, Trâu rừng, Tinh cọp) bắt được, hai người theo hầu bị bọn này xẻ thịt moi gan làm bữa, bản thân chỉ còn chờ nước chết thì bỗng đâu Thái Bạch Kim Tinh xuất hiện:
“Tam tạng thấy ăn mà ngán… chưa từng thấy kẻ ăn thịt người, nên sợ run chết điếng. Ðến chừng rạng đông, mấy con yêu quái đi tản rồi, còn Tam Tạng nằm mê chết giấc. Có ông già chống gậy đi tới, đầu bạc tựa thúng hong, lấy tay phủi mấy sợi dây, dây liền đứt hết, thổi một hơi trên mặt, Tam Tạng liền tỉnh dậy tức thì”. Sau đó ông lão nói: “Thôi đi theo ta ra đường lộ, cho khỏi chốn hang hùm”.
Tam Tạng buộc hai gói lên yên dắt ngựa đi theo lập tức, một hồi tới đường lộ, liền lạy tạ ông già. Vừa cúi đầu nghe trận gió thoảng qua, dậy kiếm ông già đâu mất! Thấy cỡi hạc bay cao vời vợi, trên mây bỗng rớt xuống một tấm giấy, có bốn câu thơ rằng: “Ta sao Thái Bạch ở trên trời/ Thương xót người lành xuống cứu ngươi/Ðường trước hỡi còn nhiều nguy hiểm/Cũng đừng thấy khó nhọc mà lơi”.
Cái ơn cứu mạng này của Thái Bạch Kim Tinh có thể nói là quan trọng hơn tất thảy nhưng lần Đường Tăng thoát nạn sau đó, bởi lúc ấyTam Tạng mới chỉ khởi hành trên con đường đi Tây Trúc, đâu đã có Ngộ Không tài phép trí dũng cùng các đồ đệ khác bên cạnh.
Bản thân Bát Giới, không kể những lần được Thái Bạch Kim Tinh “cứu chung” cùng cả nhóm 5 người thỉnh kinh mỗi khi dính hạn thì chính chàng lợn, trong quá khứ, từng chịu ơn rất sâu từ Lý Trường Canh. Hồi 13, sau khi Bát Giới biết được người chỉ đường cho Ngộ Không tìm Linh Kiết Bồ Tát là Thái Bạch Kim Tinh, tác gia Ngô Thừa Ân đã viết thế này: “Bát Giới nghe rõ, quỳ lạy thinh không mà nói rằng: - Ân nhân tâu cứu tôi năm xưa, phải không ắt chẳng còn tánh mạng”.
Chúng ta biết rằng, Bát Giới – tiền kiếp là Thiên Bồng Nguyên Soái do say rượu mà “mạo phạm” Hằng Nga, bị Thần giữ điện Linh Tiêu - Vương Linh Quan bắt gặp, giải đến cho Ngọc Hoàng trị tội. Ban đầu Ngọc Hoàng khép chàng tội khi quân, chịu án tử hình nhưng sau giảm án, chỉ đánh 2000 dùi, đày xuống trần gian. Việc giảm án này, chiếu theo lời cảm thán của Bát Giới nêu trên hẳn là có liên quan mật thiết đến Thái Bạch Kim Tinh, vốn nhân từ và lại là người rất giỏi trong việc “hạ hỏa” Ngọc Hoàng. Tức Bát Giới, trước khi trở thành thành viên của bộ ngũ đi Tây Trúc, vốn đã nợ Lý Trường Canh cái ơn cứu mạng rồi!