Một nhánh đường bị lãng quên của Con đường Tơ lụa
Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Năm 2005, một thầy tu phát hiện ngôi mộ 1.800 tuổi ở Tây Tạng. Những bằng chứng cho thấy đây là một nhánh đường Con đường Tơ lụa (Silk Road) bị lãng quên.
Ngôi mộ cổ 1.800 năm tuổi nằm trên độ cao 4,3 km so với mực nước biển, tại huyện Ngari, Tây Tạng. Bên trong ngôi mộ, các chuyên gia phát hiện nhiều hiện vật giá trị như: những tấm lụa sang trọng dệt theo kiểu wang hou (dành cho vua và hoàng tử), mặt nạ bằng vàng ròng, những bình vại sành sứ và bằng đồng.
Đặc biệt, các chuyên gia tìm thấy đồ vật giống như chổi pha trà. Những mẫu chổi pha trà cổ nhất của người Tây Tạng có từ thế kỷ 7 sau Công nguyên. Tuy nhiên, những cái chổi được phát hiện trong ngôi mộ 1.800 tuổi ở Tây Tạng mới chỉ 400 - 500 năm tuổi.
Các chuyên gia đã tiến hành phân tích các thành phần hóa học của các mẫu bã chè để xác định niên đại. Kết quả cho thấy loại chè đó được trồng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây chính là những bằng chứng cho thấy đây là một nhánh đường của Con đường Tơ lụa của Trung Quốc bị lãng quên.
Hài cốt phủ cần sa dưới cổ mộ 2.500 năm
Ảnh: Hongen Jiang. |
Năm 2016, các nhà khảo cổ phát hiện một bộ hài cốt niên đại 2.500 năm phủ dưới lớp cây cần sa dày như tấm vải liệm trong ngôi mộ cổ ở vùng bồn địa Turpan, Trung Quốc. Đây là bằng chứng quan trọng về việc cần sa được sử dụng phổ biến trong cuộc sống của người dân dọc Con đường Tơ lụa thời xưa. Bởi lẽ, ốc đảo giữa sa mạc Turpan từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường tơ lụa. Người xưa đã sử dụng cần sa để tế lễ và chữa bệnh.
Bộ hài cốt trong ngôi mộ trên thuộc về một người đàn ông khoảng 35 tuổi, có nhiều đặc điểm của người da trắng và có 13 cây cần sa phủ trên thi thể. Mỗi cây cần sa dài gần 0,9m, được đặt chéo trên ngực người đàn ông, với rễ cây quay về phía khung xương chậu và ngọn cây chạm đến cằm. Kết quả nghiên cứu cho thấy những cây cần sa này được thu hoạch vào cuối mùa hè.
Đội quân gác mộ Tần Thủy Hoàng chịu ảnh hưởng của Hy Lạp
Ảnh: Wikimedia. |
Năm 2016, một nghiên cứu chỉ ra nhiều khả năng người Hy Lạp đã giúp đỡ Trung Quốc xây dựng đội quân đất nung nổi tiếng trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Hàng ngàn bức tượng binh sĩ đất nung có thể do một nhà điêu khắc người châu Âu chỉ đạo và mang ảnh hưởng của Hy Lạp cổ đại. Đây được coi là dấu mốc đánh dấu lần giao thoa đầu tiên giữa nền văn minh phương Tây và Trung Quốc trong lịch sử.
Phát hiện bất ngờ này cho thấy Trung Quốc và phương Tây có mối quan hệ mật thiết, gần gũi trước khi Con đường tơ lụa chính thức ra đời.