Vào chiều ngày 23/5, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp khẩn liên quan đến vụ phát hiện, thu giữ các hiện vật từ tàu BĐ 10546 TS nghi khai thác cổ vật trái phép tại vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.
Sau khi mở niêm phong, các chuyên gia kiểm tra thực tế số hiện vật gồm: 33 đĩa gốm sứ có đường kính khoảng 20 cm và 7 tô (bát) đường kính khoảng 15 cm. Số cổ vật này được phân chia các loại đĩa, bát gốm sứ thành 3 nhóm, gồm: Nhóm 1: Đĩa ô xanh trắng, hoa văn tùng - lộc; nhóm 2: Đĩa men trắng, vẽ hoa đỏ gạch, ánh vàng; nhóm 3: Đĩa men ngọc, vẽ hoa lam ám họa.
Các chuyên gia kiểm tra, phân loại, giám định các cổ vật gốm sứ do nhóm ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển xã Bình Hải. Ảnh: Zing. |
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nhận định gốm sứ trục vớt tại vùng biển trên là cổ vật thuộc thời nhà Minh, có niên đại thế kỷ khoảng 16 - 17. Nhiều khả năng nhóm ngư dân Bình Định đã lặn trục vớt dĩa, bát gốm sứ khoảng 600 tuổi này từ một tàu cổ chìm ở vùng biển gần bờ Bình Hải.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, các cổ vật khá tốt, không có vết nứt mới, có cái còn nguyên vẹn. Đây là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi phát hiện cổ vật ở độ sâu đến hơn 50m. Con tàu đắm này sẽ mang lại khá nhiều hiện vật có thông tin lớn, bổ sung vào nhận thức con đường tơ lụa trên biển.
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đề xuất một số biện pháp cần triển khai trong thời gian tới, bao gồm việc tổ chức khảo sát, xác định vị trí tàu cổ đắm thông qua lặn nghiên cứu chụp hình dưới nước.
Qua khảo sát, xác định vị trí tàu cổ đắm sẽ tạo tiền đề cho việc thăm dò, khoanh vùng cụ thể để bảo vệ. Vị trí tàu cổ đắm nằm cách xa bờ khoảng 3 hải lý (6 km), độ sâu trên 50m nên việc khảo sát cần thực hiện sớm để tránh bất lợi của thời tiết.
UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, báo cáo Bộ VH-TT&DL sau khi khảo sát hiện trường tàu cổ đắm. Quyết định lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.
Những trường hợp bị coi là đào bới trái phép địa điểm khảo cổ được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi như sau:
a) Tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ như di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng chế tác công cụ, thành lũy và các địa điểm khảo cổ khác;
b) Tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước.