Con ranh con lộn
Trong cuộc sống thường nhật, nhiều người chúng ta không lạ lùng gì với trường hợp những bà mẹ sinh con ra vài tháng lại chết. Nhưng họ cũng rất mau có thai trở lại và đứa thứ hai cũng lại tự dưng qua đời sau vài ba tháng. Có khi sự việc tiếp diễn đến lần thứ 3 thứ 4. Hiện tượng như vậy, người Việt gọi là con ranh, con lộn.
Khi gặp chuyện như thế, người Việt tin rằng, đó không phải là sự ngẫu nhiên mà do tà ma quấy phá. Để kiểm chứng, đã có những người đánh dấu bằng mực hay chàm vào một chỗ nào đó trên thi thể đứa con vừa chết và thật đáng ngạc nhiên, họ đã gặp lại dấu hiệu đó trên cơ thể đứa con sinh sau đó. Theo quan niệm của một số người, đó chính là chứng cứ của hiện tượng con ranh con lộn.
Cũng nên lưu ý rằng, hiện tượng con ranh con lộn có tính phổ biến từ Á sang Âu, chứ không phải chỉ có ở những nước phương Đông huyền bí. Trong cuốn sách Những bí ẩn về tiền kiếp và hậu kiếp của Đoàn Văn Thông đã dẫn chứng ra nhiều trường hợp để cho thấy tính phổ biến ấy.
Ảnh minh họa |
Như trường hợp gia đình Matthew ở Luân Đôn. Trong suốt bốn năm, người mẹ lần lượt sinh bốn người con và người con nào tới ba tuổi cũng đều lìa bỏ cõi đời cả. Điều kỳ lạ là lần mang thai thứ tư, người mẹ trước khi chuyển bụng, đang mơ màng trong giấc ngủ bỗng nghe có tiếng nói thì thầm bên tai, tiếng nói của một đứa bé: "Đây là lần cuối cùng!" và đứa con sinh lần thứ tư này đã chết lúc vừa đúng 3 tuổi.
Đến lúc có thai lần thứ năm, người mẹ rất lo sợ, nhưng sau khi sinh, bà cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Đứa bé vượt qua giai đoạn ba tuổi và sống mạnh khỏe cho đến tuổi trưởng thành không đau ốm gì cả.
Hay trường hợp vợ chồng Marius Frères sống tại Lyon (Pháp) sinh hạ một bé trai vào tháng 2 năm 1950. Đứa bé chỉ sống được ba tháng thì mất. Đứa con thứ hai sinh vào tháng 12 năm đó (sinh sớm) nhưng cũng chỉ sống được ba tháng.
Đứa thứ ba sinh sau đó cũng chỉ sống được đúng 3 tháng 10 ngày rồi mất.
Những cách giải thích
Do vấn đề con ranh con lộn có tính phổ biến cho nên nó đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu ở khắp nơi.
Giới Y học cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do sự lệch lạc nào đó trong khi thụ tinh. Hoặc có khi người mẹ có mầm bệnh lạ truyền vào người con. Đến một thời gian nào đó, tác nhân bệnh đủ mạnh thì sẽ làm hại đứa trẻ nhỏ. Nhưng nếu là một mầm bệnh thì nó có thể phát sớm có thể phát muộn chứ không thể nào lại tạo ra những đứa trẻ cứ sống một thời gian gần bằng nhau lại chết mang tính “chu kỳ” như vậy được.
Ở Việt Nam, quan niệm dân gian cho rằng, hiện tượng con lộn là do người cha hoặc mẹ bị tà ma theo đuổi. Sự theo đuổi của tà ma khiến cho họ không thể gần gũi vợ hoặc chồng mình được và nếu như có gần gũi được và có thai thì khi sinh con đứa con cũng không sống được bao lâu do bị tà ma hại.
Ảnh minh họa. |
Đi xa hơn trên quan niệm này, người Việt cho rằng, những tà ma này chủ yếu là do tình nhân hay vợ chồng của đương sự ở kiếp trước, vì có tình cảm sâu nặng mà họ lại chưa được đi đầu thai cho nên mới ám ảnh đương sự. Hoặc một trong hai vợ chồng trước khi đến với nhau đã có thề nguyền với người khác nhưng người đó chết vì tai nạn, bệnh tật hoặc tự vẫn nên vong hồn người ấy đeo đuổi phá hoại cuộc sống gia đình của đương sự.
Tuy nhiên, cách giải thích được ủng hộ nhiều nhất là giải thích bằng thuyết luân hồi. Thuyết này xưa kia chỉ tồn tại trong giáo lý tôn giáo nhưng ngày nay đã được nhiều nhà khoa học thực nghiệm phương Tây chứng minh. Họ đã dùng những biện pháp như tự thôi miên để tìm về những tiền kiếp xa xôi của chính mình.
Cách giải thích của thuyết luân hồi cho rằng con ranh con lộn chính là chứng tích của những nghiệp quả mà cha mẹ đứa bé đã gây nên ở tiền kiếp. Nói cụ thể ra là ở kiếp trước có thể cha mẹ đứa bé đã làm những điều ác như: làm hại con kẻ khác, hành nghề phá thai hay cố ý làm cho kẻ khác bị hư thai… cho nên kiếp này phải chịu quả báo. Họ phải chịu nỗi đau khổ vì con mình mới sinh ra đã lìa đời để đền cái nghiệp đã tạo.
Minh chứng cho điều này chính là câu chuyện về cặp vợ chồng Marius Frères đã nói ở trên.
Cặp vợ chồng này sinh con 3 lần đều chỉ được khoảng 3 tháng thì chết. Các bác sĩ khám nghiệm tử thi của 3 đứa bé này đã phát hiện ra một điều trùng hợp là phía trong nách cả ba đứa trẻ đều có một dấu vết màu xám nâu rất nhỏ bằng đầu chiếc đũa.
Điều trùng hợp này dẫn đến một sự liên tưởng cho bất kỳ ai nghe câu chuyện này khi họ biết rằng một thời gian sau đó, cảnh sát đã tìm thấy bên dưới lò sưởi trong ngôi nhà vợ chồng Marius Frères một thi thể người đàn bà. Trong thi thể này người ta phát hiện một vết thâm tím ở trong nách.
Sau đó vợ chồng này khai nhận rằng thi thể đó là của người dì ruột của ông Marius. Vợ chồng Marius biết bà này có một viên kim cương nên đã gọi điện thoại mời bà đến chơi luôn tiện giúp bà thử nghiệm lại viên kim cương xem thật hay giả vì Marius là thợ kim hoàn có kinh nghiệm. Sau đó cặp vợ chồng này đánh thuốc mê rồi chích thuốc độc vào nách người dì và giấu xác bà xuống bên dưới lò sưởi để đoạt viên kim cương.
Những người theo thuyết luân hồi dĩ nhiên khẳng định ngay dấu vết dưới nách 3 đứa trẻ kia có mối liên hệ mật thiết với việc cha mẹ chúng đã chích thuốc độc vào nách một người khác. Những người khác có thể cho điều này là mê tín dị đoan. Dẫu sao hiện tượng con ranh con lộn vẫn tồn tại đâu đó quanh chúng ta, mà khoa học thực nghiệm đang bất lực chưa thể giải thích.