Biến động giá cau xuất khẩu vừa được giải mã tại hội thảo “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/11 ở Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cau là một trong số 29 loại thực phẩm dùng để bào chế thuốc đông y được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thương nhân Trung Quốc muốn nhập cau Việt về làm thuốc vì cau Việt Nam có hàm lượng chất giảm đau cao, có thể bào chế được nhiều sản phẩm.
Ngoài ra, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, người Trung Quốc dùng cau không chỉ để làm kẹo ngậm mà còn để ăn trầu. Hiện có khoảng 50-60 triệu người Trung Quốc ăn trầu.
Trước đây, người Trung Quốc thường sử dụng cau trồng ở đảo Hải Nam. Năm nay, nhiều cơn bão tấn công đã khiến sản lượng lớn cau ở đảo này bị thiệt hại. Vì vậy, họ tăng giá mua và sản lượng cau Việt Nam nhập khẩu.
Giá cau vọt lên 85.000 đồng/kg vào tháng 10 chỉ sau khoảng chục ngày đã lao dốc còn 25.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Dương |
"Tuy nhiên, ngay sau khi sản xuất cau nội địa phục hồi, họ không mua cau của chúng ta nữa, vì thế giá cau Việt xuất khẩu giảm mạnh. Sang năm, giá cau Việt xuất khẩu có tăng hay không thì cũng hên xui, phụ thuộc thời tiết”, ông Nguyên phân tích.
Câu chuyện tương tự từng xảy ra với mặt hàng bắp cải: Bất ngờ xảy ra bão, Trung Quốc tăng mạnh sản lượng nhập khẩu bắp cải Việt Nam. Không có bão, nhu cầu nhập khẩu gần như bằng 0.
Ông Nguyên lưu ý, với những mặt hàng rau quả mà người Trung Quốc cũng sản xuất được thì hàng Việt rất khó cạnh tranh. Bên cạnh chi phí logistics thấp, hàng Trung Quốc còn có sự hậu thuẫn lớn là tinh thần ủng hộ hàng nội của người dân và Chính phủ Trung Quốc luôn ưu tiên bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.
Ông dẫn chứng thêm mặt hàng thanh long: Từ năm 2022 về trước, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường tỷ dân luôn đạt giá trị tỷ đô, nhưng từ năm 2022 đến nay sụt dần, giờ chỉ còn khoảng 500 triệu USD.
Báo cáo 9 tháng đầu năm nay của Hải quan Trung Quốc ghi nhận lượng thanh long nhập về nước này giảm 40% so với năm 2023. Thanh long Việt Nam bị thanh long Trung Quốc cạnh tranh rất quyết liệt.
“Rau quả nội địa Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh rất đáng sợ của chúng ta”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam nhận định, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp, nông dân Việt muốn xuất khẩu thành công vào thị trường tỷ dân, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm thì quan trọng nhất là phải nghiên cứu thời vụ sản xuất của Trung Quốc.
Ví dụ, mùa đông lạnh, không trồng được nhiều thanh long thì phía Trung Quốc sẵn sàng nhập lượng lớn thanh long Việt Nam. Nhưng từ tháng 5 đến tháng 11, 12, họ tự đảm bảo được nguồn cung nội địa sẽ giảm lượng mua hoặc ngừng mua.
Hay, tháng 11-12 năm ngoái, khí hậu chưa lạnh lắm, chuối của Trung Quốc còn nhiều nên họ ngưng nhập chuối Việt Nam. Những doanh nghiệp sở hữu trang trại chuối lớn của Việt Nam đã nghiên cứu kỹ, không gia tăng sản xuất ở thời điểm này nên ít bị thiệt hại.
"Tuy nhiên, người nông dân không tìm hiểu thông tin, cứ thấy năm trước bán được giá năm nay lại trồng nhiều, cuối cùng chuối đổ đầy đồng, rớt giá, lỗ nặng”, ông Nguyên dẫn bài học kinh nghiệm để tránh “lặp lại vết xe đổ” trong tương lai.