Kết thúc phiên giao dịch 12/1, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào)- 67 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,02 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,1 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ở mức 1.888,2 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn giao dịch ở mức 1.889,2 USD/ounce.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy, tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo khảo sát với các nhà đầu tư, 77% người tham gia dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,50-4,75% vào tháng Hai và lãi suất có thể đạt đỉnh 4,92% vào tháng Sáu.
Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kìm hãm lạm phát, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%.
Susan M. Collins, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Boston, cho biết bà nghiêng về khả năng lãi suất tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương.
Mặc dù vàng được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, song lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Jim Wyckoff, chuyên gia tại Kitco Metals nhận định, giá vàng chịu áp lực do tâm lý chốt lời ngắn hạn của một số nhà đầu tư. Thị trường có thể tiếp tục đi ngang trước khi dữ liệu CPI được công bố.
Theo Craig Erlam, nhà phân tích tại Công ty môi giới Oanda, nếu số liệu CPI cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán, tác động tích cực lên giá vàng. Thị trường Trung Quốc dự kiến phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu đối với vàng tăng.