Kết thúc phiên giao dịch 8/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 70,20 triệu đồng/lượng - 72,02 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM: 70,20 triệu đồng/lượng - 72,00 triệu đồng/lượng
Doji Hà Nội: 69,00 triệu đồng/lượng - 71,80 triệu đồng/lượng
Doji TP.HCM: 69,00 triệu đồng/lượng - 71,80 triệu đồng/lượng
Đêm 8/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.014 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 2.015 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 8/3 cao hơn khoảng 6,3% (119 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 57,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 15 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 8/3.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh trong bối cảnh nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga bất chấp việc các đồng minh châu Âu sẽ không cùng tham gia.
Theo Bloomberg, lệnh cấm có thể được chính quyền của Tổng thống Joe Biden sớm đưa ra. Các mặt hàng bị cấm sẽ bao gồm dầu, khí hóa lỏng và than.
Giá vàng hôm nay 9/3: Vàng trong nước lao dốc, thế giới hướng tới đỉnh cao lịch sử mới |
Trước đó, theo Reuters, ông Biden đã họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh về một lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi Canada cấm nhập khẩu dầu thô từ đất nước của ông Putin.
Mỹ cân nhắc đòn trừng phạt nặng nề này sau khi quốc hội Mỹ gây áp lực lớn lên chính quyền ông Biden. Hiện Mỹ nhập khẩu khoảng 3% dầu từ nước Nga. Nếu tính cả khí và các chế phẩm, tỷ lệ đạt khoảng 8%.
Vàng tăng mạnh khi mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng vọt trở lại, với giá Brent lên ngưỡng 130 USD/thùng.
Tập đoàn dầu mỏ Shell hôm 8/3 đã xin lỗi về việc mua một lô hàng dầu được chiết khấu cao của Nga, đồng thời thông báo ý định rút khỏi liên doanh chung với Nga sau khi bị chỉ trích nặng nề vì thương vụ mua 100.000 tấn dầu thô Urals từ Nga hôm 4/3. Shell thông báo dừng mọi hoạt động mua dầu thô của Nga và sẽ đóng cửa các trạm dịch vụ, nhiên liệu hàng không tại đây.
Vàng tiếp tục tăng giá trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế với ước tính lên tới 1 nghìn tỷ USD. Cuộc xung đột này cũng khiến giá hàng hóa tăng vọt và lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 300 điểm phần trăm (3%) trong năm 2022.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi quyết định của chính quyền Joe Biden. Tuy nhiên, một số chính trị gia và kinh tế gia cảnh báo các lệnh trừng phạt mạnh mẽ có thể gây tác động ngược lên chính nền kinh tế của Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Sau khi vượt ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce, vàng thế giới có thời điểm chững lại do áp lực chốt lời. Tuy nhiên, vàng được dự báo có thể sẽ tăng tiếp nếu căng thẳng Nga-Ukraine còn leo thang.
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Giá năng lượng chưa có dấu hiệu ngừng đi lên. Đây là một yếu tố hỗ trợ rất mạnh cho mặt hàng kim loại quý.
Hiện tại, giới đầu tư dồn sự chú ý vào cuộc chiến Nga-Ukraine và động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 16/3 tới. Nếu Fed lo ngại suy thoái và không tăng lãi suất hoặc vẫn giữ nguyên khả năng tăng lãi suất ở mức thấp 25 điểm phần trăm thì vàng được cho là có cơ hội tăng tiếp.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, nếu vàng vượt ngưỡng 2.005 USD/ounce thì mặt hàng này sẽ sớm lên ngưỡng 2.034 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, nếu vàng giảm thì ngưỡng hỗ trợ mạnh sẽ là 1981 USD/ounce.