Giá vàng trong nước hôm nay
Rạng sáng hôm nay, giá vàng miếng trong nước gần như đứng yên và giao dịch gần ngưỡng 67 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:
Vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào mức và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá vàng hôm nay 8/7: Tăng hay giảm? (ảnh minh họa: Internet). |
Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,45 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,05 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng ngày trước đó, giá vàng SJC không đổi.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,45 triệu đồng/ lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/ lượng bán ra, không đổi so với rạng sáng ngày trước đó. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 40.000 đồng ở chiều mua lên mức 66,46 triệu đồng/ lượng nhưng giữ nguyên mức giá ở chiều bán là 67,03 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay đảo chiều tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 13,6 USD lên mức 1.924,4 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.932,5 USD/ounce, tăng 17,1 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Trong phiên giao dịch cuối của tuần, vàng đảo chiều tăng nhẹ khi báo cáo mới nhất công bố cho thấy tăng trưởng việc làm đã giảm tốc vào tháng 6 khiến thị trường lao động Mỹ yếu đi một phần.
Cụ thể, báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 209.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, thấp hơn ước tính của Dow Jones là 240.000 và giảm so với mức tăng 339.000 vị trí trong tháng 5.
Trước đó, báo cáo việc làm của ADP cho thấy, khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 497.000 việc làm trong tháng trước. Các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng khoảng 226.000 việc làm. Báo cáo của ADP khiến nhiều người nghĩ rằng báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cũng sẽ mạnh hơn nhiều so với dự kiến về tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Trong tuần này, báo cáo việc làm của ADP, lập trường “diều hâu” của Fed và biên bản cuộc họp tháng 6 ủng hộ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động lại nghiêng về những người muốn Fed tạm dừng thắt chặt trong tháng 7 và điều đó đã cung cấp hỗ trợ cho vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dữ liệu này được cho là không đủ để thay đổi lập trường của Fed về chính sách tiền tệ trong tương lai và có thể giúp vàng thực sự bứt phá.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích đang lạc quan về vàng vì họ tin rằng nếu vàng có thể chịu được những cơn gió ngược hiện tại, thì kim loại quý này có thể bứt phá mạnh mẽ trong tương lai nếu Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt và chuẩn bị xoay trục chính sách tiền tệ.
Các nhà phân tích của Hội đồng vàng thế giới lưu ý rằng trong môi trường hiện tại, vàng sẽ ít mất mát hơn khi giảm giá và sẽ được nhiều hơn ở chiều tăng và chính điều này khiến vàng vẫn là tài sản quan trọng trong danh mục đầu tư.
Vàng không chỉ nhận thấy sự hỗ trợ vững chắc mà còn có thể bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu thay đổi. Mới đây, Nga xác nhận các quốc gia thành viên của BRICS (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) có kế hoạch giới thiệu một loại tiền tệ giao dịch mới được hỗ trợ bởi vàng. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng đô la hóa này sẽ có lợi cho vàng trong dài hạn.
Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới neo ở mức 1.924,4 USD/ounce (tương đương gần 55,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng gần 12 triệu đồng/ lượng.