Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, 10/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,57 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 57,50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 4,8 USD lên 1.807,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York tăng 8,4 USD lên 1.808,6 USD/ounce.
Việc đồng USD yếu đi khiến cho vàng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng. Diễn biến này khiến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng vốn không phải tài sản sinh lời lên cao hơn.
Vi rút biến thể Delta đang khiến những hàng hóa rủi ro cao trên toàn cầu bị giảm mạnh lợi thế trong mắt nhà đầu tư. Điều đó càng được củng cố khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố tuần này cho thấy Fed vẫn lo ngại về những bất ổn gia tăng, nhất là sau khi số liệu về thất nghiệp của Mỹ được công bố.
Giá vàng hôm nay
Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh nội địa của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm chống độc quyền và ngăn chặn những hành vi cản trở cạnh tranh trong một loạt lĩnh vực.
Theo Tổng thống Biden, sắc lệnh sẽ buộc chính phủ liên bang phải thực thi đầy đủ và tích cực luật chống độc quyền của Mỹ để ngăn ngừa các hành động lạm dụng của các công ty độc quyền, ngăn chặn những thương vụ sáp nhập dẫn đến sa thải nhiều nhân công, chống tăng giá hàng hóa hay hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Các cơ quan chống độc quyền ở Mỹ sẽ phải tập trung vào các lĩnh vực giá nhân công, lao động, chăm sóc sức khỏe, công nghệ và nông nghiệp khi giải quyết những vướng mắc của người tiêu dùng.
Diễn biến khó lường của đại dịch có thể làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Vàng thường được coi như “hàng rào” chống lại những bất ổn kinh tế và chính trị cũng như lạm phát tăng phi mã.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, 10/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra). |
Dự báo giá vàng
Khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, thì có 12 người dự báo vàng sẽ tăng giá, có 2 người nhận định giá vàng giảm và như vậy, cũng đã có 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, với 902 người tham gia, thì hơn 61% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 20% cho rằng giá vàng giảm và 19% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Ông Pierre Veyret, nhà phân tích kỹ thuật tại Công ty Môi giới đầu tư ActivTrades cho rằng, các nhà đầu tư phải bận tâm rất nhiều vấn đề bao gồm việc Fed giảm bớt các biện pháp hỗ trợ, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và quyết định dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều nước. Chuyên gia này nhấn mạnh, quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu thực sự chưa chắc chắn.
Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management, nói rằng, ông trung lập với vàng trong tuần, nhưng vẫn rất lạc quan về trung và dài hạn, do chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì và lạm phát gia tăng.
Nhà phân tích Mikhail Sprogis của Goldman Sachs cho rằng việc giá vàng tăng mới chỉ là bắt đầu, và sẽ còn tăng nữa, sáu khi kim loại quý này sau bao thăng trầm cuối cùng cũng ‘bắt’ được làn sóng chào mua đã được chờ đợi từ lâu, trong bối cảnh lo ngại về lạm phát đã dịu lại.
Ông Sprogis nhắc lại dự đoán của mình rằng giá vàng sẽ đạt 2.000 USD/ounce, bày tỏ sự lạc quan trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ và USD đều đang có xu hướng giảm.