Sáng nay (29/8), Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 và 8 tháng năm nay. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%. Giá xăng dầu, gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 8 tăng.
|
So với tháng trước, chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh nhất 3,85%. |
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh nhất 3,85% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,37% chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/8, 11/8 và 21/8. So với tháng trước, giá xăng tăng 9,85%, giá dầu diezen tăng 15,9%.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 15,71%; đường sắt tăng 3,58%; đường bộ tăng 0,68%; vé xe buýt tăng 0,53%; taxi tăng 0,1%.
Xếp sau giao thông, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 8 tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do năm học 2023-2024 học sinh khối lớp 4, 8, 11 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới. Trong đó, giá sách giáo khoa tăng 3,37% so với tháng trước. Giá vở, giấy viết các loại tăng 1,17%; giá bút viết các loại tăng 1,03%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,82% do một số trường dân lập, tư thục tăng học phí năm học 2023-2024.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8/2023 tăng 0,85% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,16% Trong đó, giá nhà ở thuê tăng 0,8% so với tháng trước do chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu thuê nhà tăng.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 tăng 0,78% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,26%. Trong đó, lương thực tăng 3,28%, tác động tăng 0,12%. Chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41%. Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6, mức tăng chỉ còn 2%. Tháng 7, CPI tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay.
Lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm nay, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 8 tháng giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3%. Đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.