Tại phía Bắc, năm 2020, giá thuê tại Hải Dương tăng cao nhất lên 75 USD/m2, tức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội cũng có mức tăng 13%, đạt 129 USD/m2. Các địa phương khác tăng từ 6% đến 9%, như Bắc Ninh (95 USD/m2), Hưng Yên (83 USD/m2).
Đáng chú ý, giá thuê tại Thanh Hóa khá cạnh tranh, lên mức 40 - 50 USD/m2. Tỉnh này đã nhận được nguồn đầu tư đáng kể từ năm 2020 với tổng số vốn FDI đăng ký là 349 triệu USD, đứng thứ 20 trong tổng số 60 tỉnh thành trên cả nước. Tỉnh cũng đón 14 dự án đầu tư mới, đóng góp 240 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, những kế hoạch phát triển của Foxconn tại Thanh Hóa đã thu hút một loạt nhà sản xuất linh kiện điện tử, chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà đầu tư lớn. Có thể nói, giá thuê đất cạnh tranh cùng nguồn lao động lớn tại chỗ chính là chìa khóa tạo nên sức hút, khích lệ đầu tư của Thanh Hóa đối với nhiều doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Năm ngoái, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy đạt 88% ở TP HCM, 94% ở Đồng Nai, 99% ở Bình Dương, 84% ở Long An và 79% ở Bà Rịa Vũng Tàu. Cùng kỳ, tại phía Bắc tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam nhận định nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các KCN gần các thành phố lớn leo thang. Giá cả tăng cao vẫn là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị thấp và tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may và nội thất.
Tỷ giá ngoại tệ hiện tại vẫn ở mức chấp nhận được cho các nhà sản xuất đa quốc gia có giá trị cao, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hỗ trợ công nghệ cao và máy móc tự động.
Nếu giá thuê tiếp tục tăng theo cùng một quỹ đạo từ năm 2018, đại diện Savills cho rằng khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam có thể bị suy yếu, trừ phi có thêm nguồn cung đất công nghiệp được triển khai ở các khu vực kinh tế trọng điểm để đáp ứng đủ nhu cầu và ổn định giá cả.