Những chiếc chum này được làm từ đá granite có chiều cao lên tới 3 mét. Phần lớn trong số chúng có niên đại từ thời Đồ Sắt, khoảng 500 trước Công nguyên đến 500 năm sau Công nguyên.
Một bãi chum đá được phát hiện trong một cánh rừng ở Lào. |
Hàng nghìn cái chum đá kỳ lạ đã được tìm thấy tại những dãy núi ở Bắc Lào kể từ sau khi thực dân Pháp tìm thấy chúng vào năm 1930.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết được ai là người tạo ra chúng hay nguồn gốc của chúng. Mặc dù các bộ xương ở một số địa điểm cho thấy chúng có liên quan đến nghi lễ chôn cất.
Mới đây, một đội nghiên cứu của Úc đã phát hiện ra 137 chiếc chum ở 15 địa điểm trên khắp nước Lào. Chúng có tuổi đời khoảng 1.000 năm, mới hơn so với Cánh đồng chum được phát hiện trước đó và được kéo hàng km từ nơi chế tạo tới địa điểm hiện tại.
Một số chiếc chum có kích thước lên tới vài tấn. |
“Có vẻ như những chiếc chum có trọng lượng lên tới hàng tấn này đã được kéo từ các mỏ đá tới địa điểm cách đó hàng cây số”, dẫn lời nhà khoa học Dr Dougald O'Reilly của đại học quốc gia Úc. “Lý do những địa điểm này được chọn vẫn là một bí ẩn. Tại đây không hề có người sinh sống hay qua lại”.
Tính tới nay, đã có hơn 100 địa điểm có chum đá được phát hiện. Những chiếc chum này thường được sắp xếp thành cụm từ một cho tới hàng trăm cái.
Các nhà khoa học cho rằng những chiếc chum được dùng để đựng xác hoặc tro của người chết. Những miếng gỗ hay nắp mây ở miệng chum đã không thể tồn tại tới ngày nay.
Xung quanh cánh đồng chum, người ta còn phát hiện những đĩa đá có hoa văn điêu khắc phức tạp, được cho là vật đánh dấu nơi mai táng.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra nhiều xác người ở những cánh đồng chum đá. |
Tiến sĩ O'Reilly cho biết những hình ảnh trên đĩa bao gồm đường tròn đồng tâm, núm chuôi kiếm, hình người và thú vật.
Các cổ vật đặc trưng của thời kỳ Đồ Đá như gốm, thủy tinh chuỗi, công cụ sát và vòng đeo tai cũng được tìm thấy ở đây.
“Chúng tôi còn tìm thấy nhiều chiếc chum nhỏ giống hệt những chiếc chum lớn nhưng được làm từ đất sét. Chúng tôi rất muốn biết vì sao họ lại làm như vậy”.
“Cho tới nay, chum cổ bằng đá cũng được tìm thấy ở Assam, Ấn Độ và Sulawesi, Indonesia. Chắc hẳn có một mối quan hệ mật thiết giữa các khu vực cách xa nhau này”, tiến sĩ O'Reilly suy đoán.
Một trong số các đĩa đá có hoa văn tại những cánh đồng chum. |
Các cánh đồng chum tại Lào sẽ sớm trở thành Di sản thế giới của UNESCO. Các nhà khảo cổ tin rằng họ sẽ sớm giải mã được các bí ẩn tại nơi này.
Những chiếc chum được sắp xếp theo cụm từ một vài đến hàng trăm chiếc. |
Trong khi đó, người dân địa phương lại có giả thuyết riêng về những chiếc chum cổ. Họ cho rằng chúng đã được đặt tại đây bởi những người khổng lồ từ hàng nghìn năm trước. Tại thời điểm đó, chúng được dùng để đựng rượu mừng chiến thắng cho người khổng lồ sau những trận chiến lớn.