Điện, gas, sữa đồng loạt tăng giá
Ngày đầu tiên của tháng 8, người tiêu dùng liên tục đón nhận những thông tin tăng giá của một loạt các sản phẩm tiêu dùng như: điện, gas, sữa.
Sau nhiều lần nghi binh nói không và chưa tăng giá, chiều 31/7, ngành điện đã có thông báo chính thức về việc tăng giá bán điện. Theo đó, kể từ ngày 1/8, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng /kWh).
Giá điện tăng 5% từ ngày 1/8 |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng.
Gas cũng tăng giá từ 1/8 |
Các công ty cho biết nguyên nhân giá gas tăng là giá gas thế giới tháng 8 công bố bình quân 820 USD/tấn, tăng 27,5 USD/tấn so với tháng 7 nên các công ty điều chỉnh mức ứng. Như vậy tính từ đầu năm đến nay giá gas tăng 3 lần với tổng cộng 22.000 đồng/bình 12 kg.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến giá xăng cũng đã 3 lần tăng giá trong hơn một tháng qua. Hiện giá xăng đã tiệm cận mức cao nhất từ trước đến nay.
Từ hồi tháng 3 năm nay, các hãng sữa đã rục rịch điều chỉnh tăng giá và cứ tăng hết đợt này đến đợt khác. Tổng cộng cho đến trước thời điểm ngày 31/7, nhiều hãng sữa đã tăng giá lên tới 8-20%. Từ ngày 1/8, một loạt các công ty lại thông báo điều chỉnh tăng giá 5-20%.
Giá sữa cũng tăng từ 5-20%. |
Vé tàu, phí đường bộ đồng loạt giảm
Trong khi những thông tin về việc tăng giá những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khiến người dân lo lắng thì họ lại được trấn an bằng việc giảm giá vé tàu và phí đường bộ.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chủ động đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, điều chỉnh giảm phí lưu hành trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đối với phương tiện loại 4 và loại 5 từ 0h00 ngày 1/8.
Mức phí giảm cao nhất đối với xe chở container 40 feet theo từng chặng tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 70.000 đồng. |
Đối với các loại xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet cũng có 6 mức giảm phí theo 6 hướng tuyến. Mức giảm cao nhất là 70.000 đồng cho hướng tuyến đang có mức thu phí cao nhất là 280.000 đồng giảm còn 210.000 đồng. Các mức giảm tiếp theo sẽ là 60.000, 45.000, 30.000, 20.000 và 15.000 đồng cho các hướng tuyến còn lại.
Bắt đầu thu phí qua cầu Bình Triệu 1 (cũ) từ ngày 1/8 |
Cũng theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày 1/8, ngành đường sắt thực hiện giảm giá hàng loạt hạng vé với nhiều tuyến tàu khác nhau. Việc giảm giá tập trung vào các loại vé hạng sang, đi các chặng xa.
Cụ thể, giá vé giường nằm mềm máy lạnh tàu SE 3-4 Sài Gòn - Hà Nội giảm từ 1,99 triệu đồng/lượt xuống còn 1,76 triệu đồng/lượt với loại giường nằm tầng 1 và 1,96 triệu đồng xuống 1,705 triệu đồng/lượt với giường nằm tầng 2.
Với các tàu địa phương từ ga Sài Gòn đi Quy Nhơn, Nha Trang… ngành đường sắt cũng thực hiện giảm giá vé trên nhiều hạng vé. Từ ngày 1/8 đến hết ngày 19/12, tất cả các đoàn tàu khách địa phương (SE21/22, SQN1/2, SNT1/2, SPT1/2), mức giá vé giường nằm tầng 3 sẽ bằng giá vé ghế ngồi mềm tương ứng trên tàu.